"70 năm thi đua yêu nước" - Những khoảnh khắc chân thực, sinh động

Thứ tư, 30/05/2018 17:26
(ĐCSVN) – Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018). 100 bức ảnh tư liệu sinh động về Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước; những điển hình thi đua yêu nước trên các lĩnh vực trong 70 năm qua vừa được giới thiệu với công chúng cả nước.

Các bức ảnh giới thiệu tại Triển lãm ảnh "70 năm thi đua yêu nước", diễn ra từ ngày 28/5 - 3/6/2018, tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội), do Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng trung ương tổ chức.

100 bức ảnh tư liệu đen trắng, ảnh màu có giá trị lịch sử của nhiều phóng viên TTXVN qua các thời kỳ đã phản ánh chân thực, sinh động hình ảnh Bác Hồ với các phong trào thi đua yêu nước; những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước 70 năm qua trên nhiều lĩnh vực, từ Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua trong những năm kháng chiến đến Đại hội Thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới; các phong trào lớn trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như: Phụ nữ “Ba đảm đang", “Gió Đại Phong”, "Hũ gạo kháng chiến", "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", Thanh niên “Ba sẵn sàng" , “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý"...

Bức ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sỹ thi đua
và Cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, ngày 1- 6/5/1952 trưng bày tại triển lãm.


Bức ảnh về Bác Hồ sử dụng máy cày tại khu ruộng của Sở Nông Lâm, Hà Nội (tháng 7/1960).


Lớp học “Diệt giặc dốt” cấp tốc của bộ đội và dân quân tự vệ trong khi nghỉ trên thao trường.


Một lớp học bình dân học vụ những ngày đầu độc lập, trong phong trào xoá nạn mù chữ phát động toàn dân ngày 8/9/1945. Đây là một vấn đề cấp bách nhằm giải quyết giặc dốt ngay sau khi Việt Nam độc lập.


Từ cuối năm 1960, Trường phổ thông cấp 2 Bắc Lý, Hà Nam – lá cờ đầu thực hiện “Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”. Phong trào thi đua “Trống Bắc Lý” đã nhanh chóng thành một phong trào thi đua tiêu biểu của ngành Giáo dục bây giờ.


Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hợp tác xã Đại Phong, lá cờ đầu ngành nông nghiệp, thực hiện luống cày đầu tiên, tháng 6 năm 1961 trước sự vui mừng của bà con xã viên.


Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III, diễn ra từ ngày 4-6/5/1962 tại Hà Nội.


Ngày 6/5/1962, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các đại biểu dự Đại hội Anh hùng,
Chiến sỹ thi đua lần thứ III (1962).


Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch Mặt trận Phùng Văn Cung, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định với các đại biểu tại Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua, Dũng sỹ các LLVTND miền Nam Việt Nam lần thứ hai, tổ chức tại Vùng giải phóng, tháng 9 năm 1967.


Học sinh trường cấp III Yên Hoà, Hà Nội đăng ký phong trào “Ba đảm nhiệm” sau này là phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”. Phong trào “Ba đảm đang” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động đã tạo nên một khí thế mạnh mẽ trong phong trào thi đua sản xuất, tham gia phục vụ và sẵn sàng chiến đấu, góp phần quan trọng và sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, giải phóng miền Nam.


Hưởng ứng phong trào xây dựng đất nước, hàng nghìn người dân đã nô nức lên đường xây dựng vùng kinh tế mới.


Trong nhóm nội dung về các phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới, công chúng gặp lại nhiều phong trào thi đua lớn của đất nước như “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, "Ðền ơn đáp nghĩa", “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”…Trong ảnh: Đoàn đại biểu anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình, ngày 11/6/1998.


Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần tích cực làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong ảnh:  Chiều 29/1/2018, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt HLV và các cầu thủ đội bóng U23 Việt Nam vừa thi đấu thành công tại Vòng Chung kết U 23 châu Á -2018 diễn ra tại Giang Tô (Trung Quốc).


Kết cấu kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang phát triển vượt bậc với hàng loạt công trình lớn, hiện đại xứng đáng là trung tâm kinh tế chính trị hàng đầu cả nước. - Trong 70 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần động viên toàn dân tộc đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua thử thách thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Nguyễn Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực