Bánh “tình yêu” của người Pa Cô

Thứ sáu, 26/06/2020 17:54
(ĐCSVN) - Bánh a quát - loại bánh của đồng bào Pa Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế dùng mời khách quý luôn có đôi, có cặp được gọi là bánh “tình yêu”. Những chiếc bánh do các cô gái Pa Cô làm với sự cần mẫn chăm chút cho ngày vui cộng đồng là một nét đẹp bao đời nay của người Pa Cô nơi đại ngàn Trường Sơn.

Có dịp tham dự Tết Aza của người Pa Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội), được thưởng thức những ẩm thực đặc trưng của huyện vùng cao A Lưới, phóng viên được chị Viên Thị Kết nhiệt tình mời dùng thử những chiếc bánh a quát còn nóng hổi và tìm hiểu những điều thú vị trong đời sống, văn hóa của người Pa Cô.

''Tết Aza không thể thiếu bánh a quát, đây cũng là chiếc bánh dùng trong các lễ hội và ngày cưới của người Pa Cô. Những cặp bánh a quát mang ý nghĩa là món quà các cô gái Pa Cô làm để mang về nhà chồng. Khi con gái về nhà chồng, người mẹ tới thăm cũng không thể thiếu những chiếc bánh thơm thảo này'', chị Kết cho biết.

Bánh a quát gắn với huyền tích tình yêu của chàng A Chích và nàng Pê-chôn; về sức mạnh lao động và trí tuệ của chàng Ta-tưi; ẩn chứa những nghi lễ, phong tục, tập quán lâu đời của hai cộng đồng người Tà-ôi và Pa Cô ở đại ngàn Trường Sơn. Bánh được làm trong các sự kiện của cộng đồng người Pa Cô như: Lễ mừng lúa mới, nghi lễ với tổ tiên, lễ tạ ơn trời đất, đãi khách quý, Tết Nguyên Đán...Đặc biệt trong đám cưới, nhà trai không tổ chức làm bánh a quát mà chỉ có nhà gái làm đãi khách và cho nhà trai làm quà. Những thời điểm xuất hiện nói lên giá trị của bánh a quát trong đời sống, văn hóa của người Pa Cô cũng như ý nghĩa về bánh chưng, bánh dầy của người Kinh.

 Khi những người con của vùng đất A Lưới tới Hà Nội giới thiệu văn hóa truyền thống, hành trang họ mang theo là bộ khung dệt Dèng, những phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống lâu đời; trong đó có tục làm bánh a quát...
 Để làm bánh a quát, gạo nếp phải được lựa chọn, sàng lọc kỹ càng...
 Quây quần dưới mái hiên nhà sàn truyền thống, du khách mới hiểu được sự tỉ mỉ, chăm chút của người Pa Cô đối với loại bánh bình dị, mộc mạc này.
 Bánh a quát được gói bằng lá đót, phải chọn lá không quá già vì lá già thì dễ rách, lá non quá thì không tạo được khuôn.
 Bánh “Tình yêu” được làm từ gạo nếp than (Cu-char) người Pa Cô gọi là hạt ngọc của Trời, hạt ngọc của Giàng.
 Khi gói, lá được quấn tạo hình chóp nón, sau đó, lật ngược hình chóp và gạo nếp được bỏ vào cho đầy.
 Bánh a quát luôn được bó thành một cặp. Chiếc lớn mang hình tượng người con trai chiếc nhỏ hơn là của người con gái.
Ý nghĩa tình yêu không đơn thuần là ghép hai chiếc bánh với nhau, mà còn ẩn dụ trong từng chi tiết như chọn hạt gạo phải tròn, những chiếc lá không rách, sợi dây buộc dẻo dai, bánh phải giống hình sừng trâu. 

Sau khi gói xong, bánh được ngâm trong chậu nước từ 1-2 tiếng rồi mới đem đi luộc. Bánh chín bóc lớp lá sẽ có màu đen phớt hồng rất đẹp mắt. Khi thưởng thức, bánh có vị ngọt bùi, thơm dịu, mềm dẻo.

Nhiều du khách thích thú với những chiếc bánh a quát tượng trưng cho tình yêu thủy chung, sắt son của người Pa Cô.
 Xuất hiện trong không gian lễ hội, bánh a quát góp phần tạo sức hấp dẫn cho du khách khi đến thăm, tìm hiểu những nét văn hóa lâu đời tại làng các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi; đồng thời cũng là những trải nghiệm mới lạ khi đến với “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.
Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực