Bảo tồn và phát huy di sản kéo co ngồi ở Ngọc Trì, Hà Nội

Thứ sáu, 07/06/2019 09:39
(ĐCSVN) – Từ một trò chơi dân gian, nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ, làng Ngọc Trì, Hà Nội đã vinh dự đón nhận Bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kết quả đó cho thấy tình yêu và vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, người dân ở làng Ngọc Trì, Thạch Bàn (Long Biên - Hà Nội) nhận thức đầy đủ về các giá trị di sản, hiểu rõ việc thực hành nghi lễ không chỉ là tiếp nối ước vọng của tiền nhân mà còn thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, khẳng định bản sắc của di sản. Trong môi trường sinh ra di sản, người dân địa phương đã giúp Di sản tồn tại bền vững. Trong nhiều giai đoạn, ở làng Ngọc Trì thiếu không gian thực hành lễ hội, nhưng người dân vẫn tự giác tận dụng những khu đất rộng để tổ chức kéo co, giúp cho nghi lễ không bị gián đoạn. Với những người được tín nhiệm chọn vào các đội kéo co, họ luôn trong tâm thế tự hào, nỗ lực hết mình để hoàn thành vai trò là những chủ thể văn hóa.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy di sản trong nhân dân, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản và chính quyền địa phương đã hỗ trợ, quy hoạch khu đất rộng 4 nghìn mét vuông tại đền Trấn Vũ thành không gian thực hành nghi lễ; tổ chức giao lưu cùng các đội kéo co của Hàn Quốc; xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự hỗ trợ thiết thực đó đã tạo điều kiện để các nghệ nhân và người dân ở Thạch Bàn bảo tồn, phát huy và trao truyền những giá trị di sản cho thế hệ trẻ.

Thực hành di sản nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi tại làng Ngọc Trì.


Tiếp nối ước vọng của tiền nhân, hàng trăm trai làng khỏe mạnh sôi nổi tham gia Lễ hội truyền thống.


Cây song dài 40m được sử dụng để làm dây kéo trong cuộc thi.


Những người được tuyển lựa kéo co, tiêu chuẩn đầu tiên là gia đình có
năm đời sinh sống ở làng trở lên, gia đình có nền nếp, gia giáo.


Ngọc Trì có ba mạn là Đường, Đìa, Chợ. Mỗi mạn được cử một đội kéo co đại diện.Trai kéo co mỗi mạn phải đủ 24 người và một Tổng cờ.


Trước khi kéo, dây song được nêm chặt ở lỗ cột. Trai kéo co ngồi chân co chân duỗi.


Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai Tổng phất cờ hô: “í a, kéo”.


Các “đấu sĩ” thi đấu hết sức mình trước sự hò reo cổ vũ của khán giả.


Mỗi bên là đại diện cho một thôn, mọi người đều cố gắng hết sức để giành chiến thắng về cho thôn của mình.


“Kéo co ngồi” không chỉ thể hiện sức khỏe của mỗi người chơi mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết giữa người chơi,

người chạy cờ, người cổ vũ.


Kết thúc hiệp đấu, bất kể phần thắng thuộc về bên nào, mọi người đều hồ hởi vì đã góp phần bảo tồn và phát huy Di sản.


Để đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng của tất cả mọi người đối với Di sản văn hóa, gần đây, việc thực hành kéo co ngồi còn có thêm đội kéo nữ tham gia, góp phần mang lại những phút giây sảng khoái với cộng đồng, giúp nhân dân địa phương thêm gắn bó với Di sản.

Theo truyền thuyết, làng Ngọc Trì xưa gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng, thì chỉ còn giếng thuộc xóm (mạn) Đìa còn nước. Trai mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước, bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Khi hai bên giằng co nhau, sợ nước đổ nên họ cùng ngồi xuống đất, ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại hoàn cảnh ấy, các cụ trong làng nghĩ ra trò kéo co ngồi, để diễn trong hội làng, với mong muốn cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no. Hằng năm, ngày 3/3 âm lịch làng lại tổ chức Hội kéo. Ngày 7/4/2019, nhân dân Thạch Bàn đã vinh dự đón nhận bằng UNESCO ghi danh nghi lễ kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

 

N.Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực