Bước qua những ngôi làng xưa cũ

Chủ nhật, 23/02/2020 09:55
(ĐCSVN) – Những ngôi làng cổ ven đô, lưu giữ những nét đẹp cổ kính, nguyên sơ của một làng quê Bắc Bộ là những điểm thăm quan hấp dẫn giúp du khách có thể dễ dàng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa lâu đời của Hà Nội.

Nằm cách Hà Nội khoảng 40 km, Làng Cựu, xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội) yên bình, tĩnh lặng khác hẳn với cảnh phố thị nhộn nhịp, ồn ào và tấp nập dòng người qua lại. Nét đặc biệt ở làng Cựu là những con ngõ rêu phong và hàng chục ngôi biệt thự bề thế có tuổi đời cả trăm năm. Dấu ấn về thời hoàng kim của những người thợ may “đệ nhất Hà thành” ở làng Cựu đã cho xây dựng những năm 1920-1945. Qua bao thăng trầm của dòng chảy thời gian, làng Cựu vẫn còn đó những giá trị hoài cổ, trầm mặc của những năm tháng giữa thế kỷ XX.

 Cổng làng Cựu bề thế, mang dấu ấn một ngôi làng thịnh vượng, trù phú xưa với vọng các, mái ngói, bờ đao cong vút và hai đôi nghê đắp nổi.
 Bên trong làng là những căn nhà ẩn chứa bao câu chuyện đời vui buồn.
 Lối kiến trúc trang trí cuốn thư trên những cổng nhà, một cách nhắc nhở con cháu chăm chỉ việc học hành, đèn sách ở làng Cựu.
 Một góc làng Cựu.

Làng Cựu hôm nay đã trở thành điểm đến thú vị của du khách gần xa. Giới trẻ Hà thành rất thích đến làng Cựu chụp ảnh, nhiều sinh viên ngành Mỹ thuật cũng đến đây để làm các bài tập hay sáng tác. Trong các bức vẽ của họ luôn có dáng hình các thiếu nữ với nụ cười tươi tắn, những ngôi nhà cổ, những nếp làng, ngõ nhỏ in dấu thời gian...

Tạm xa làng Cựu, du khách hẳn sẽ háo hức khám phá những điều mới lạ ở làng Chuông, xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội). Bên dòng sông Đáy hiền hòa, làng Chuông không chỉ nức tiếng với nghề làm nón suốt hơn 3 thế kỷ, mà còn sở hữu vẻ đẹp thanh bình với hình ảnh những chiếc nón lá chao nghiêng trong gió. Nơi đây những câu chuyện về lịch sử làng, lễ hội truyền thống, những phiên chợ, cơi trầu, bát nước chè xanh và tình làng nghĩa xóm cùng níu chân du khách.

 Vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 hàng tháng, từ sáng sớm tinh mơ, trong sân chùa Chuông, các mẹ, các chị nhộn nhịp ra chợ chào bán sản phẩm độc đáo của quê hương.
 Những chiếc nón trắng, nhẹ nhàng, thanh thoát làm từ những đôi tay người làng Chuông, qua bao thời gian tới nay vẫn luôn nhận được sự ưa chuộng của du khách thập phương.

 Không chỉ che mưa, che nắng chiếc nón làng Chuông còn tôn lên nét duyên dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam.

Tiếp nối hành trình khám phá các ngôi làng ven đô, một điểm đến mang tới du khách những trải nghiệm độc đáo, đó là làng lụa Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội). Nằm bên dòng sông Đáy, Phùng Xá là một làng nghề truyền thống lâu đời, nổi danh với nghề “canh cửi”. Nơi đây, bức tranh phong thuỷ hữu tình của làng quê Việt còn vương trên những ngôi nhà mái ngói 5 gian, rào hoa râm bụt đến từng bờ tường bậu cửa trơ ra lớp gạch hay hàng tre ngân nga trong gió, những nương dâu xanh ngút ngàn mang vẻ đẹp thơ mộng của làng lụa.

Sự “tiếp nối truyền thống, nối dài nghề xưa” ở Phùng Xá hôm nay đã tạo nên nhiều loại lụa mới, nhiều cách thức dệt thủ công độc đáo, cùng đó là một thế hệ nghệ nhân mới. Một trong những nghệ nhân tiêu biểu trong thế hệ này là nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, người đầu tiên ở Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công lụa từ sợi tơ của những cây sen ở làng Phùng Xá.

 Dệt lụa thủ công ở làng lụa Phùng Xá.
 Phương pháp lấy tơ sen để dệt lụa của người thợ nơi đây.
 Từ sợi tơ sen mảnh, dễ đứt được người thợ Phùng Xá rút ra và xe được ra những sợi sen độc đáo.

 Để làm ra 250g sợi đủ để dệt một chiếc khăn sen, một người thợ làm phải mất khoảng 10 ngày để rút tơ từ gần 3000 cọng sen. Để dệt được một mét lụa, cần khoảng 15.000 cuống sen.

Ngoại thành Hà Nội còn có nhiều ngôi làng trầm tích như làng Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng Lai Xá (Hoài Đức), làng Vác làm lồng chim (Thanh Oai),…Sự nỗ lực của chính quyền và người dân các địa phương, với mục tiêu chung tay vì sự phát triển của quê hương, bảo tồn, gìn giữ văn hóa làng, phát huy tinh thần hiếu học chính là sự tôn bồi, vun đắp cho mảnh đất nghìn năm văn hiến, để Hà Nội mãi là nơi tinh hoa hội tụ./.

,

 
N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực