“Dệt thổ cẩm” trên dải Trường Sơn

Thứ bảy, 15/08/2020 21:40
(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời trên dải Trường Sơn, đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Cơ tu, Bru-Vân Kiều hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc trong đó dệt thổ cẩm là một đặc trưng văn hóa phản ánh đậm nét đời sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em trên vùng đất này.

Theo các tài liệu nghiên cứu, đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Cô ở các tỉnh miền Trung từ lâu đã hình thành “con đường vải vóc” trên dải Trường Sơn và xuyên tận qua nước bạn Lào. Vải thổ cẩm, đồ trang sức là những sản vật luôn được trao đổi trong nội bộ dân tộc và giữa các dân tộc láng giềng. Vải thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu bền đẹp nên được nhiều người dùng ưa thích thường mua để may trang phục, vật dụng trong gia đình, để trang trí nhà cửa hay nhà cộng đồng...Thổ cẩm của đồng bào có thể đổi được nồi đồng, chiêng, ché...

Trong các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế nghề dệt thổ cẩm của người Tà Ôi là một trong những nghề phát triển nhất. Ngoài đặc trưng về ngôn ngữ, văn hóa…trang phục, trang sức là một đặc điểm quan trọng để phân biệt văn hóa của từng tộc người, điều kiện tự nhiên, điều kiện văn hóa - xã hội nơi họ cư trú. Những tấm thổ cẩm - sản phẩm kết tinh quá trình lao động sáng tạo cộng đồng còn là thước đo đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ, một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng giúp lan tỏa những hình ảnh đẹp về vùng đất và con người tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Theo các nghệ nhân dệt huyện A Lưới, người Tà Ôi giữ gần như nguyên vẹn các loại nguyên liệu, công cụ kỹ thuật và quy trình sản xuất thổ cẩm (zèng) truyền thống. Từ một góc nhìn về sự giàu có ở A Lưới, thì người nào sở hữu được nhiều bộ trang phục bằng đồ dệt đắt tiền sẽ là người giàu có. Do vậy, dệt thổ cẩm đã thẩm thấu trong tâm thức người dân, tạo chuẩn mực cho một cô gái chưa chồng phải biết cách tạo ra sản phẩm này. Hơn nữa sản phẩm dệt như là một món của hồi môn cho những cô gái sau khi về nhà chồng.

Từ những giá trị truyền thống của nghề dệt thổ cẩm ở một số tộc người huyện A Lưới, trong đó có đồng bào Tà Ôi, một khảo sát gần đây của ngành văn hoá địa phương cũng cho thấy: Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc ở huyện A Lưới vừa phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, vừa giúp một bộ phận người dân có việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân địa phương.

 Trong một số hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) với sự tham gia của các chủ thể văn hóa đến từ tỉnh Thừa Thiên – Huế và tỉnh Quảng Nam, công chúng Thủ đô có dịp tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm độc đáo.
 Nền văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc Cơtu, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều hình thành một vùng văn hóa với nhiều sắc thái độc đáo.
 Người Cơ Tu, Tà Ôi hiện là những dân tộc còn bảo lưu nghề dệt và trang phục nhiều nhất so với một số dân tộc ở Trường Sơn. Nghề dệt thổ cẩm của hai dân tộc này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dệt thổ cẩm theo phương pháp thủ công của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. 
 Phụ nữ dân tộc Cơ Tu với khung dệt thổ cẩm truyền thống.
 Dệt thổ cẩm nổi bật làm vai trò của những người phụ nữ thông qua việc làm ra những tấm vải phục vụ cuộc sống hàng ngày, họ cũng là những người trực tiếp trao truyền thế hệ trẻ những tinh hoa nghề làm thổ cẩm.
Từ những cây bông trồng trên rẫy, đồng bào phơi, tách, bật bông, cán, vấn, xe, giăng, kéo thành sợi... rồi dệt ra những tấm vải thổ cẩm nổi tiếng.
 Người phụ nữ Tà Ôi khéo léo điểm những hạt cườm chì, hạt cườm, quả rừng để tạo nên những chủ đề trang trí đẹp mắt, chứa đựng những hình ảnh cách điệu, các biểu tượng gắn những ý nghĩa trong đời sống cộng đồng.
 Hoa văn trên thổ cẩm của người Cơ Tu được chia theo  các chủ đề: Động - thực vật, thiên nhiên, đồ vật và vũ trụ trời đất.
Tấm thổ cẩm được đồng bào Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam dệt thủ công có độ dài lớn với đầy đủ yếu tố thẩm mỹ.
 Cô dâu chú rể trong “Lễ cưới hỏi truyền thống của người Pa Cô” huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 Ngoài giá trị văn hoá truyền thống những tấm thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi và một số dân tộc thiểu số khác ở A Lưới còn là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào ngày nay.
Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực