Di sản kiến trúc Hà Nội

Thứ bảy, 24/08/2019 10:06
(ĐCSVN) - Hà Nội đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, nhưng qua các công trình kiến trúc xưa ta có thể thấy rõ sự giao thoa thú vị của vẻ đẹp Á, Âu hòa trộn, tạo nên không gian kiến trúc Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Hà Nội mang những nét khác biệt với những thành phố mới hiện đại trên thế giới. Vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội hiện hữu qua các công trình mang kiến trúc lịch sử, văn hóa lâu đời như: Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Gươm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà Hát lớn, …

Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú khi thăm quan và tìm hiểu khu phố cổ Hà Nội, nơi có những con phố nhỏ, những ngõ nhỏ cổ kính đan xen, kề bên dòng sông Hồng. Hà Nội có những khu phố xây dựng theo kiến trúc Pháp làm nên vẻ sang trọng, hiện đại như Tràng Tiền, hay các khu hành chính mới của Hà Nội với những ngôi nhà hiện đại, ẩn mình sau những hàng cây to, đẹp xanh, rợp bóng mát.

 

Hành trình bắt đầu từ cầu Long Biên trên đường Trần Nhật Duật, cây cầu một thời lớn nhất châu Á, do người Pháp xây dựng (1898-1902) dài 2.290 m bắc qua sông Hồng, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m và đường dẫn xây bằng đá.


Cây cầu 117 năm tuổi đang là một chứng nhân của lịch sử, một điểm đến hấp dẫn với du khách khi đến thăm Hà Nội.


Một biểu tượng kiến trúc Pháp khác đó là Nhà Hát Lớn, xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Công trình này thiết kế theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris, mang dáng vẻ Tân cổ điển Pháp. Đây cũng là nơi vào ngày mùng 2 tháng 3 năm 1946 diễn ra phiên khai mạc Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam.

Tòa án Nhân dân tối cao với kiến trúc cổ điển châu Âu.


Một địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Hà Nội đó là Nhà Thờ Lớn Hà Nội, tại số 40 phố Nhà Chung, xây dựng từ năm 1884 -1888, theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu.


Tòa nhà Đại học Đông dương (nay là Đại học Dược) mang phong cách “Kiến trúc Đông Dương” kết hợp giữa kiến trúc kinh viện Châu Âu với các thành phần và giải pháp kiến trúc bản địa được xây dựng ở Hà Nội do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế năm 1924. Công trình hiện nay vẫn là một điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội.


Cột cờ Hà Nội là công trình xây dựng từ năm 1805 – 1812 (triều Nguyễn). Trải qua nhiều năm tháng Cột cờ Hà Nội là công trình được bảo tồn nguyên vẹn nhất trong quần thể Hoàng thành Thăng Long.

Bên cạnh những công trình mang phong cách kiến trúc Pháp, những công trình cổ kính đầy màu sắc phương Đông là một thực thể góp phần khắc họa sinh động hình ảnh của Thăng Long - Hà Nội.


Chùa Trấn Quốc -  ngôi chùa cổ bậc nhất Việt Nam và của Thăng Long Hà Nội với hơn 1500 năm tuổi. Chùa nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính và không gian thoáng mát, một tổng thể kiến trúc, lịch sử văn hóa, thiên nhiên hoàn hảo. Tương truyền, chùa xây dựng từ thời Lý Nam Đế (năm 541-547) tại thôn Yên Hoa, gần sông Hồng với tên gọi “Khai Quốc”.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được Ủy ban di sản thế giới của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới, ngày 1 tháng 8 năm 2010. Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.


Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - di tích Quốc gia đặc biệt. Được khởi lập vào cuối thế kỷ XI ở phía Nam Kinh thành Thăng Long, xây dựng năm 1070, dưới triều Vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây nhà Quốc Tử Giám – trường học cao cấp đầu tiên của nước ta. Năm 1484, Vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ của những người đỗ Tiến sĩ từ khóa thi năm 1442 trở đi. Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Unesco công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào ngày 9 tháng 3 năm 2010.

 


Cầu Nhật Tân - công trình kiến trúc tiêu biểu, không chỉ là sản phẩm của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản mà còn là một biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế.

 


Dựa trên nền tảng di sản văn hóa của Hà Nội, sự ra đời và phát triển các không gian văn hóa mới trong đó có Tuyến phố đi bộ Hồ Gươm góp phần xây dựng một Thủ đô hội nhập, phát triển nhưng vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực