Đồng bào Jrai tái hiện tục lên nhà Rông mới

Thứ hai, 15/06/2020 17:03
(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời trên vùng đất tỉnh Gia Lai, dân tộc Jrai hình thành và lưu trữ một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc, trong đó tục lên nhà Rông mới là một hoạt động văn hóa tiêu biểu, phản ánh sinh động đời sống tinh thần của người Jrai.

Trong khuôn khổ các hoạt động tháng 6 có chủ đề "Ngày hội gia đình", hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động; đồng bào Jrai đã giới thiệu hoạt động văn hóa đặc sắc này tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội), nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Jrai và các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời giúp tăng cường mối quan hệ giao lưu gắn bó giữa các dân tộc anh em trên các vùng miền đất nước.

Bao đời nay đồng bào Jrai, huyện La Pa, tỉnh Gia Lai vẫn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình. Đồng bào trồng lúa làm nương rẫy là nghề chính để phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Trong đời sống tinh thần, đồng bào Jrai quan niệm, nhà Rông là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh.

Sau khi di dời hay tu sửa lại, nhà Rông phải được tổ chức cúng Yàng để cảm tạ thần linh đã trợ giúp dân làng trong thời gian qua, để tạ ơn các vị Yàng phù trợ cho đồng bào có ngôi nhà mới, trợ giúp cho người dân bản làng làm ăn phát đạt, ấm no hạnh phúc.

 Ngày 14/6/2020, tại không gian làng dân tộc Gia Rai, Khu các làng dân tộc II, đồng bào dân tộc Jrai ở huyện La Pa, tỉnh Gia Lai tổ chức tái hiện Lễ cúng lên nhà Rông mới.
Chủ lễ là già làng có uy tín với cộng đồng, am hiểu luật tục, có vai trò dẫn dắt trong buổi Lễ. 
 Trước tiên là phần cúng dưới nhà gần chân cầu thang nhà Rông. Đây là lễ xua đuổi thần xấu, thần không tốt còn bám trên cây gỗ để làm nhà. Chủ Lễ múc một ít nước vào bát đồng vừa đọc lời cúng, vừa rót nhẹ vào ghè cúng đến khi hết nước trong bát thì cũng dứt lời cúng.
 Sau đó chủ Lễ cùng hội đồng già làng và dân bản cùng lên nhà rông mới bàn bạc các công việc, chuẩn bị các lễ vật để thực hiện lễ cúng trong nhà.
Chủ Lễ thực hiện nghi thức cúng trong nhà Rông mới. Trong Lễ chủ Lễ múc đầy nước vào bát tạt nước vào nhà, vào mọi người với ý nghĩa cầu mong có cuộc sống hòa thuận, ấm no, hạnh phúc, sau đó vừa làm Lễ, vừa đánh cồng chiêng, múa quanh ghè rượu. 
 Trong suốt quá trình làm lễ tiếng chiêng trống vang lên không ngừng để bày tỏ lòng thành kính với các vị Yàng và mong muốn về sự sung túc, bình an cuộc sống.
 Bà con cùng vui với chiêng, trống và những điệu xoang trong nhà Rông mới.
Sau phần nghi thức cúng, đồng bào dân tộc Jrai sẽ cùng nhảy múa uống rượu cần, vui chiêng cùng vòng xoang trên nhà Rông sau đó di chuyển xuống cây nêu sân lễ hội vui hội chung niềm vui với khách mời. 
 Nghi thức Lễ tại bến nước của người Jrai.
 Không khí quây quần trong niềm vui, tình đoàn kết của đồng bào dân tộc Jrai.
 Đồng bào các dân tộc cùng chúc mừng đồng bào dân tộc Gia Rai và đặc biệt là niềm vui của đồng bào các dân tộc cùng chung bến nước Tây Nguyên tại Làng.
N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực