Gặp người “thổi hồn” cho gốm​

Thứ hai, 29/06/2020 22:25
(ĐCSVN) - Dưới đôi bàn tay tài hoa và con mắt thẩm mỹ của nghệ nhân, những thớ đất tưởng như vô tri đã trở nên có hồn hơn cả tranh vẽ. Những con vật thân quen được tạc vào gốm vô cùng sinh động. Để làm được vậy, hẳn người nghệ nhân phải truyền được cả cái tâm của mình vào từng tác phẩm.​

Theo sự giới thiệu của UBND huyện Kim Bảng (Hà Nam), chúng tôi đã tìm về làng gốm Quyết Thành ở thị trấn Quế, để được gặp gỡ và thưởng lãm những tác phẩm gốm độc đáo của nghệ nhân làng gốm tài hoa Nguyễn Đức Huân.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề gốm, chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm của làng nghề 500 năm tuổi, nghệ nhân Nguyễn Đức Huân cho biết, nghề gốm là nghề kỹ thuật nhưng thuần túy, rèn giũa con người tính bền bỉ, kiên trì và từ trước đến nay vẫn là nghề có thu nhập ổn định. Cũng bởi vậy, anh đã gắn bó với nghề truyền thống này từ nhỏ và chưa bao giờ có ý định từ bỏ nó.

Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân Huấn cho biết, ngày bé anh đã phụ cha nhào nặn những đồ vật và dụng cụ thô sơ, đơn giản từ đất. Và dần dần anh thích sáng tạo với những thớ đất sét để tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo cho riêng mình. Thấy anh có thể ngồi cả ngày mải miết với bàn xoay và màu đất lấm lem, cha anh đã quyết định truyền nghề cho con. Sẵn có năng khiếu cộng với niềm đam mê, anh bắt nhịp rất nhanh, hơn cả mong đợi của cha. Miệt mài, tỉ mỉ đến từng chi tiết, các sản phẩm gốm của anh hiện nay đã đứng vững trên thị trường, bất cứ sản phẩm nào xuất bán cũng mang nét riêng bởi bàn tay tài hoa của anh.

Với những sản phẩm gốm truyền thống thì người xem luôn cảm nhận được cái hồn trong đó. Sản phẩm do anh làm ra được người trong nghề cũng như khách hàng đánh giá rất cao về kỹ, mỹ thuật. Theo anh, để làm ra sản phẩm gốm đẹp, tinh xảo, ngoài năng khiếu thẩm mỹ thiên phú, đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, khéo léo, tính toán căn cơ, chuẩn mực trong từng chi tiết, kết hợp được năng khiếu hội họa, điêu khắc cùng bộ óc sáng tạo không giới hạn, đồng thời cũng phải chịu tốn rất nhiều thời gian và hơn cả là niềm đam mê, thì mỗi người thợ mới thực sự “thổi” được “hồn” vào trong mỗi sản phẩm gốm…

 Làng gốm truyền thống Quyết Thành nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa.

 

 Xưởng gốm của nghệ nhân Nguyễn Đức Huân.

 

Anh Huân đang miệt mài sáng tạo với tác phẩm gốm Rồng tâm đắc của mình. 

 

Tạo hình gốm của người thợ tài hoa rất sinh động. 

 

 Một sản phẩm gốm tạo hình sau khi ra lò.

 

 

Tạo hình gốm của nghệ nhân Huân đôi khi khiến người xem phải ... giật mình vì
độ chân thật, sinh động.

 

Tạo hình gốm song đường nét mềm mại như trong nghệ thuật điêu khắc.

 Sản phẩm do anh Huân làm ra được người trong nghề cũng như khách hàng đánh giá rất cao về kỹ thuật, mỹ thuật.
Các Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nam trong một lần tác nghiệp tại xưởng gốm của nghệ nhân Nguyễn Đức Huân. 

Anh Huân cho biết, để thổi được hồn vào gốm, người nghệ nhân phải truyền được cả cái tâm của mình vào từng tác phẩm. 

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực