Hiệp Thuận vào mùa dâu tằm chín

Chủ nhật, 29/03/2020 14:56
(ĐCSVN) - Thời điểm này, những vườn dâu tằm ven sông Đáy tại xã Hiệp Thuận, (Phúc Thọ, Hà Nội) vào mùa chín rộ. Loại cây trồng mới trên đất bãi đang giúp người dân ở đây phát triển kinh tế ngay trên quê hương một cách bền vững.
 Hiệp Thuận là một trong những vùng trồng dâu tằm lớn ở miền Bắc. Theo một số chủ vườn ở đây cho biết, do thời tiết sản lượng dâu năm nay không cao hơn vụ mùa trước nhưng nhiều nhà vườn quả vẫn chín mọng, đều và đẹp mắt.
 Xã Hiệp Thuận trồng khoảng 15ha dâu tằm. Một sào trồng khoảng 40 gốc dâu, mỗi gốc dâu thu hoạch khoảng 100kg quả/vụ.
 Vườn dâu nằm cạnh sông Đáy, nơi có lượng phù sa giàu dinh dưỡng giúp cây dâu tằm sinh trưởng tốt cho quả ngon và đẹp. Tại các nhà vườn có nhiều cây dâu đã trồng từ 5-10 năm tuổi.
 Chị Đỗ Thị Hồng gắn bó với nghề trồng dâu hơn 10 năm cho biết: Gia đình trồng trên mỗi sào 30 - 40 cây dâu, hàng ngày thu hái khoảng 100kg dâu chin/sào. Vào dịp này tiểu thương về tận vườn thu mua dâu với giá từ 10.000 - đến 15.000 kg. Với 3 sào dâu tằm, ước tính mang về thu nhập cho gia đình chị chừng vài chục triệu đồng.
 Dâu trồng tại các nhà vườn chủ yếu là hai loại dâu tằm ta và dâu tằm tây.
 Trái dâu chín đen đỏ, mọng nước, chất lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu trời nắng nóng dâu ngọt, khi mưa dâu nhạt hơn. Trái dâu có thể ăn trực tiếp hoặc ngâm nước. Nước dâu ngâm là một loại thức uống được yêu thích trong mùa hè nóng nực.
 Vào chính vụ dâu tằm chín rộ, nhiều chủ vườn phải nhờ chủ vườn khác hay mượn người thu hái với giá dao động trong khoảng từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/người/ngày.
 Quả dâu nhỏ, dễ dập nên người trồng phải dùng tay hái thủ công nhẹ nhàng.
 Chia sẻ về kỹ thuật trồng, anh Đỗ Đình Thắng, thôn 8 xã Hiệp Thuận cho biết: Gia đình anh thuê đất với giá 1,5 triệu/sào, chi phí canh tác chung mỗi vụ gần 2,5 triệu/sào, người trồng thu lợi khoảng 15 triệu/sào. Cây dâu tằm ra hoa vào tháng Chạp, thu hoạch chính vụ từ tháng 3 đến tháng 5, sau đó chặt cành, bón cây chờ vụ mới.

 Theo nhiều chủ vườn ở Hiệp Thuận cho biết: Người trồng dâu chỉ bận rộn vào mùa thu quả. Sau khi chặt cành, từ tháng 5 trở ra cây dâu tằm chủ yếu tự sinh trưởng, dễ chăm sóc, người trồng có thể kết hợp làm việc khác. Hiệu quả kinh tế từ trồng dâu tằm hơn khá nhiều so với trồng ngô, lúa.
 Thời điểm này mỗi ngày tại xã Hiệp Thuận xuất đi hàng tấn quả dâu. Đợt cao điểm có thể đạt hơn 10 tấn dâu xuất đi mỗi ngày.
 Cây dâu ở Hiệp Thuận đang hình thành vùng trồng chuyên canh cây trồng, tuy nhiên cần sự quan tâm hỗ trợ của các đơn vị chức năng để phát triển, xây dựng thương hiệu, ổn định đầu ra cho sản phẩm dâu tằm ở Phúc Thọ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực