Lặng thầm nghề xưa...

Thứ tư, 08/08/2018 10:23
(ĐCSVN) - Khắc dấu, chạm bạc, vẽ truyền thần, làm trà sen…, những nghề xưa gắn với các “phố Hàng” của Hà Thành. Không hào nhoáng, không thời thượng nhưng vẫn tồn tại như những mạch nguồn văn hoá, lưu giữ hồn xưa Hà Nội với sắc thái riêng có.

Thời gian trôi qua, cuộc sống nhiều đổi thay. Hà Nội bây giờ địa giới mở rộng so với thời xưa. Khu phố cổ, nơi có những con phố mang tên gọi định danh cho một nghề nghiệp, sản phẩm..., mà nhiều người vẫn gọi là "phố Hàng", cũng đã nhiều khác biệt. 

Trước tác động bối cảnh xã hội hiện nay, một số người làm nghề thuộc thế hệ tiếp nối có xu hướng chuyển đổi nghề để thích ứng thị trường hoặc một số nghề cổ đang thiếu người tâm huyết kế thừa, tiếp nối. Điều đó đang đặt ra những khó khăn trực tiếp trong việc gìn giữ những vốn quý văn hóa của Hà Nội.

Tuy nhiên, đáng mừng là bên cạnh những giá trị biến thiên theo thời gian, hiện vẫn còn những phố ít nhiều vẫn giữ được nghề xưa như: Phố Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Chiếu, Hàng Đồng…

Từ thực tế trên, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản phố cổ Hà Nội nói riêng và của Hà Nội nói chung cần được các cơ quan chức năng quan tâm sâu sắc; đề ra những giải pháp hiệu quả, bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của Hà Nội, để xây dựng một không gian văn hóa truyền thống giá trị cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.


Nói về nghề đúc đồng ở Hà Nội, không thể không nhắc tới nghệ nhân Lê Văn Khang,
hay nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng được mệnh danh “Đệ nhất khảm tam khí”
Hà Thành - một nghệ thuật phối kết hợp 3 loại kim loại quý trên đồ đồng.
Trong ảnh: Một cửa hàng bán các sản phẩm đồng trên phố Hàng Đồng.


Nằm ở 26 phố Lò Rèn, gia đình ông Nguyễn Phương Hùng đã có ba đời gắn bó với nghề rèn.
Lò rèn của ông đang “giữ lửa” góp phần lưu gữ nét đặc trưng của 36 phố nghề Hà Nội.


Trên con phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm), tại căn nhà số 59, là cửa hàng của
ông Phạm Văn Quang, người đã gần 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn bánh Trung thu,
khuôn xôi, oản... Theo dòng chảy thời gian, thật khó để tìm được cửa hàng làm khuôn thủ công thứ hai ở Hà Nội.

Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nghề truyền thần ở Hà Nội rất phát triển. Có đến gần
400 nhà làm truyền thần, nhưng giờ ở Hà Nội chỉ còn dưới 10 người theo đuổi nghề này.


Trên con phố Hàng Quạt vẫn có những gia đình làm nghề khắc dấu gỗ.
Cách đó không xa, phố Tô Tịch cũng có vài cửa hàng làm nghề này. Theo những người nghiên cứu
về Hà Nội và cả những người đang làm nghề này, khắc dấu gỗ đã có tuổi đời cả trăm năm.


Anh Nguyễn Quốc Hùng sống tại 17 phố Hàng Quạt vẫn đang hành nghề khắc dấu.
Nghề cổ này có khởi nguồn từ vùng đất làng nghề chạm khắc gỗ ở xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội).


Xa xưa, nhiều làng ven hồ Tây như: Quảng An, Quảng Bá, Đồng Trị, Thuỷ Sứ... 
từng rất thịnh hành nghề ướp trà sen. Để làm ra loại trà thơm lừng, hảo hạng, mang phong vị của Hà Thành. 
Người làm trà phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ tẩm ướp trà với hoa sen được trồng tại Hồ Tây, Hà Nội.


Hiện nay, quá trình đô thị hóa khiến diện tích các đầm sen Hồ Tây bị thu hẹp rất nhiều.
Vì vậy, lượng trà ướp sen Tây Hồ trở nên ít ỏi. Loại trà quý này hầu như chỉ còn dành cho số ít
những người sành trà ở Hà Nội.


Nghệ thuật thưởng trà sen Hồ Tây không chỉ làm làm say lòng người Hà Nội
mà còn trở thành một nét đặc trưng của "văn hóa trà Việt".

 

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực