Mô hình hiệu quả bảo tồn động vật quý hiếm

Chủ nhật, 19/07/2015 09:18

(ĐCSVN) - Đó là Khu bảo tồn Vườn chim Việt của anh Trần Nhữ Giáp ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì, TP. Hà Nội. Vườn chim Việt của anh Giáp ra đời cách đây gần 10 năm, là trại nuôi chim đầu tiên và duy nhất cho đến nay được cấp phép nuôi chim sinh sản và bảo tồn các loài động vật quý hiếm ở Việt Nam.

Anh Trần Nhữ Giáp, chàng trai Hà Nam được biết đến là một trong số những người đầu tiên nhân giống thành công nhiều loài chim, gà quý, trong đó có loài thuộc nguy cơ tuyệt chủng. Không chỉ mở ra một mô hình hiệu quả trong việc bảo tồn, phát triển các loài động vật quý hiếm, mà đây còn là một ngành nghề phát triển kinh tế cao.

Qua trao đổi với anh chúng tôi được biết: Khởi nguồn từ niềm say mê và yêu thích nuôi trĩ đỏ và sưu tầm các loài chim quý, vào những ngày đầu, anh Giáp được người quen tặng, và nuôi 2 chú chim trĩ đỏ, không ngờ sau một thời gian nuôi chúng sinh sản. Từ đó anh lên mạng tìm kiếm thông tin về loài này. Nhận thấy việc nhân giống chim trĩ khả quan, năm 2007, anh Giáp mạnh dạn vay mượn bạn bè, ngân hàng 600 triệu đồng mở trang trại nuôi chim ở xóm Đòng, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Là người đi tiên phong nuôi những loài chim nằm trong Sách đỏ nên anh Giáp gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, cũng như việc xin cấp phép nuôi. Khó nhất là phải chứng minh được những động vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo, mà ở Việt Nam khi đó lại không có tài liệu cụ thể nào về quy trình kỹ thuật nuôi các loài này. Anh cho biết: để được cấp phép nuôi loài chim trĩ, anh đã mất gần 2 năm chứng minh những động vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo. Đến năm 2009, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Nam mới cấp giấy phép cho gia đình xây trang trại nuôi sinh sản và bảo tồn Vườn chim Việt.

Năm 2010, từ những thành công bước đầu, anh Giáp tiếp tục gom góp, vay mượn số tiền hơn 3 tỷ đồng để đầu tư trang trại 2 ha ở xã Đông Mỹ để mở rộng trang trại nuôi chim. Ngoài chim trĩ đỏ khoang cổ, chim công, anh Giáp nuôi thử nghiệm và nhân thêm nhiều loài chim quý khác như: vịt uyên ương, vịt trời, gà lôi trắng, gà rừng, sâm cầm. Trải qua không ít thất bại, tự tìm tòi để nắm được kỹ thuật nuôi nên ở thời điểm hiện nay, trong khu trang trại số cá thể chim các loại đã lên đến vài nghìn con.

Trong đó, hiện nay, khoảng 50% động vật trong trang trại như chim trĩ, vịt trời… được nuôi làm thương phẩm. Số còn lại là những dòng rất quý của Việt Nam như vịt uyên ương, gà lôi trắng hay những loài có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng/con như vẹt, hồng hạc, hắc hạc, anh Giáp chỉ để dành để bảo tồn, dù chăm sóc chúng rất tốn kém.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Giáp đã giúp nhiều địa phương như Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc…thực hiện thành công mô hình nuôi chim sinh sản gồm công, sâm cầm, vịt trời...Hai trang trại của anh đã tạo việc làm cho 20 người, bảo đảm thu nhập ổn định. Mỗi năm, anh đều sang Úc, Singapore, Thái Lan… học hỏi kỹ thuật nuôi chim về áp dụng cho trang trại của mình và hướng dẫn cho các hộ nông dân.

Con giống gây nuôi tại trại thường xuyên được các nhân viên chăm sóc, kiểm tra sức khỏe.

Vườn chim Việt có hơn 100 loài chim khác nhau, với nhiều loài quý hiếm như:
chim trĩ đỏ, chim trĩ xanh, chim công, gà lôi trắng, vịt uyên ương, vịt trời, sâm cầm…
 

Những chú công ngũ sắc quý hiếm được lai tạo thành công tại Vườn chim Việt.

Loài chim trĩ lục - Quốc điểu của Nhật Bản.

Gà đen Indonexia quý hiếm tại khu bảo tồn.

Giống gà xuất xứ từ Ba Lan được nhập khẩu về mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những loài nuôi thương phẩm như: chim trĩ, chim công, vịt trời… được nhân giống rất nhiều để phục vụ các đơn vị, cá nhân, các khu sinh thái nuôi làm cảnh. Bình quân mỗi năm, Vườn chim Việt thu về khoảng 1,4 tỷ đồng.

Nét đặc biệt của Vườn chim Việt là nhóm gây nuôi các loài đặc hữu, phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu. Hiện một số vườn thú đã nhận được sản phẩm từ nhóm này để trưng bày và giới thiệu về tính đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Anh Giáp chăm sóc những con chim Hồng Hoàng, loài chim quý đặc hữu ở Việt Nam.
Đây là loài chim được mô phỏng trong họa tiết những chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng
.

Những chú bồ nông tại Vườn chim Việt.

Hiện anh Giáp đã phát triển 2 trang trại với khoảng 7.000 cá thể chim trĩ, hơn 1000 chim công,
gà rừng tai trắng, gà lôi vằn, sâm cầm, chim le le...cùng hàng nghìn vịt trời thương phẩm
.

Ước tính mỗi tháng, từ mô hình gây nuôi này, anh Giáp cấp cho thị trường khoảng 1.000 chim trĩ các loại, 100 chim công giống và trưởng thành, 4.000 vịt trời thương phẩm…

Hiện anh Giáp còn hỗ trợ, tư vấn về mô hình chim sinh sản, con giống 
cho các cá nhân, tập thể, đặc biệt là
bà con nông dân
.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực