Ngàn năm sóng lụa tằm tơ

Thứ năm, 18/06/2020 21:25
(ĐCSVN) - Tơ lụa Việt Nam có những ưu điểm nổi trội, được thế giới nhìn nhận là một quốc gia có nghề tơ lụa trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngày nay còn lưu dấu ở nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng như làng Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định)...

Theo các tài liệu lịch sử, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa có từ thời Hùng Vương. Từ tơ tằm người Việt đã dệt nên nhiều loại lụa tốt như: Trừu là lụa thô và to sợi; the là lụa nhẹ màu sáng; sa là lụa mỏng và trơn; lượt là lụa thưa và trơn; xuyến là lụa trơn dày hơn, màu sáng; nhiễu là lụa trơn, dày và bền; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn cũng là một loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; vóc là lụa bóng mịn có dệt hoa; văn là loại lụa có dệt hoa lớn, dày, chất lượng cao hơn và gấm là lụa cao cấp nhất...

Ở vùng Bắc Bộ, bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội) - một cái nôi của nghề dệt lụa có lịch sử hàng ngàn năm. Thời nhà Nguyễn, lụa Vạn Phúc chuyên dùng để may y phục cho vua chúa, các quan lại trong triều đình, và nay các sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc đến với người dân trong và ngoài nước với nhiều mẫu mã đa dạng, nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng, tiếp nối truyền thống một làng nghề cổ đất kinh kỳ.

Áo lụa Hà Đông là sản phẩm của làng Vạn Phúc có sức hút lạ kỳ, một nét văn hóa độc đáo của đất Thăng Long văn hiến. Lụa Vạn Phúc “mịn mặt, mát tay” đi vào nhiều câu ca dao và lưu truyền trong dân gian. Thời Pháp thuộc, Lụa Vạn Phúc được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất Đông Dương, vào các năm 1931 và 1932 từng được chọn tham dự các cuộc đấu xảo (hội chợ) lớn ở Marseille và Paris (Pháp).

 Lụa Vạn Phúc nổi tiếng với độ mềm mịn, bền chắc.
 Với nhiều mẫu mã đẹp lụa làng Vạn Phúc nhận được sự yêu thích nhiều người.
 Làng lụa đến nay vẫn bảo tồn được nhiều mẫu lụa lưu giữ tinh hoa một làng nghề cổ truyền.
 Để làm ra tấm lụa tơ tằm, người làm lụa ở Vạn Phúc phải trải qua nhiều công đoạn tốn thời gian và công sức như kéo kén, guồng tơ, mắc cửi, nối cửi, dệt tơ, nhuộm tơ. Ở bất kì công đoạn nào cũng đòi hỏi người làm phải hết sức cẩn thận và sát sao ngay cả khi có máy móc hỗ trợ.
 Dệt lụa theo phương pháp truyền thống ở làng lụa Vạn Phúc.
Lụa, gấm đã trở thành một biểu tượng của văn hóa, của cái đẹp góp phần tôn lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại. 

Cùng với làng lụa Vạn Phúc, làng Phùng Xá (Mỹ Đức - Hà Nội) là một làng nghề truyền thống lâu đời, nổi danh với nghề “canh cửi” thuộc đất Hà Tây (cũ). Nằm ven bờ sông Đáy, bên những nương dâu xanh ngút ngàn, làng Phùng Xá rộn rã tiếng thoi đưa. Đón làn gió mới từ nền kinh tế thị trường Phùng Xá xuất hiện lớp thế hệ nghệ nhân mới năng động, sáng tạo phát huy nghề cổ truyền, đưa làng nghề lên một tầm cao mới.

Trong thế hệ nghệ nhân mới ở làng Phùng Xá có nghệ nhân Phan Thị Thuận 65 tuổi. Sinh ra trong một gia đình đã bốn đời làm nghề dệt, từ khi còn nhỏ đã gắn bó với nghề ươm tơ dệt lụa, bà Thuận có rất nhiều kinh nghiệm và am hiểu các công đoạn của nghề dệt. Từ năm 2017, nghệ nhân đã kỳ công nghiên cứu thành công phương pháp dệt lụa từ tơ sen. Không chỉ nổi tiếng là người đầu tiên ở Việt Nam dệt thành công lụa từ sen, bà còn nghiên cứu ra phương pháp bắt tằm tự dệt chăn tơ.

Chia sẻ những điều thú vị về những tấm lụa tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết: Để làm ra 250g sợi đủ để dệt một chiếc khăn sen có kích thước như chiếc khăn thường, một người thợ ở Phùng Xá phải mất khoảng 10 ngày để rút tơ từ gần 3000 cọng sen. Để làm ra chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen, dệt được một mét lụa, cần khoảng 15.000 cuống sen. Dệt lụa tơ sen đã lưu dấu một nét vàng son của tơ lụa Việt Nam.

 Một khâu trong quy trình ươm tơ, dệt lụa ở làng Phùng Xá (Mỹ Đức - Hà Nội).
 Nghệ nhân Phan Thị Thuận quay tơ bằng phương pháp truyền thống tại Phùng Xá.
 Kỹ thuật rút tơ sen để dệt lụa ở làng Phùng Xá.
 Sự kỳ công trong các công đoạn rút tơ sen đã tạo ra loại nguyên liệu độc đáo để người làng Phùng Xá chế tác ra những sản phẩm từ lụa sen.

Dệt lụa tơ sen tại xưởng dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận làng Phùng Xá
(Mỹ Đức – Hà Nội). 

Theo hành trình tìm hiểu tơ lụa Việt Nam, những làng nghề có lịch sử lâu đời khác như Cổ Đô, Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định),… giúp khách trong và ngoài nước khám phá những không gian sản xuất tơ lụa truyền thống đầy hoài niệm. Ở đây các nghệ nhân làng nghề vẫn giữ gìn, trao truyền những kỹ thuật dệt độc đáo để làm ra những tấm lụa thượng hạng trong ngành tơ lụa của Việt Nam.

Từ lâu, nghề ươm tơ làng Cổ Chất, xã Phương Đình (Trực Ninh - Nam Định) đã nổi tiếng khắp vùng miền gần xa, đây là nơi khởi sinh loại tơ tằm đẹp nhất thành Nam. Thời Pháp thuộc giới tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng cả nhà máy ươm tơ ở làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh.

Ở làng Cổ Chất, ta dễ dàng bắt gặp những bó tơ trắng, tơ vàng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Mỗi gia đình ở Cổ Chất được ví như một lò ươm tơ, các bà các chị làm việc miệt mài trong màn khói nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những sợi tơ thanh mảnh, mềm mại, màu sắc tươi sáng nơi đây sẽ dệt nên biết bao tà áo, tô thắm cho vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Việt.

 Hong lụa ở làng Nha Xá, tỉnh Hà Nam.
 Những dòng lụa Nha Xá vẫn bền bỉ tiếp nối truyền thống xưa ở ngôi làng ven sông Hồng.
 Nhuộm mầu lụa ở Nha Xá.

Gắn bó với nghề dệt lụa truyền thống tại ngôi làng cổ gần 600 trăm năm tuổi đến nay, đời sống người dân làng lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên - Hà Nam) có nhiều khởi sắc. Toàn thôn có khoảng 400 máy dệt, trong đó có 11 máy dệt công nghiệp, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 900 nghìn m2 vải, đũi, 460 nghìn khăn lụa các loại. Theo thống kê mỗi tháng, làng lụa Nha Xá cho ra khoảng 1.200 – 1.500 mét lụa, trong đó có 50% là lụa hoa, 50% là lụa trơn và các sản phẩm khác. Nghề dệt lụa Nha Xá đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân trong xã.

Những năm gần đây, trong nền kinh tế thị trường, các làng nghề dệt lụa đang dần chuyên môn hoá các mặt hàng, các công đoạn hay quy mô sản xuất. Ở các làng nghề dệt lụa nhìn chung trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Nhiều mặt hàng lụa mới đã ra đời, chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao.

Theo ông Fei Jianming, Tổng thư kí Hiệp hội Tơ lụa Thế giới: “Trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan…”.

Từ vốn quý cổ truyền, những tấm lụa đa sắc màu đang là những sản phẩm kết tinh của trời đất, thắm đượm công sức, tài hoa con người, tất cả cùng hòa quyện tạo nên những sắc thái văn hóa truyền thống thấm sâu trong tình cảm, trong lối ứng xử của mỗi con người Việt Nam./.

N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực