Người thợ 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn bánh trung thu

Thứ ba, 14/08/2018 21:20
(ĐCSVN) - Ở tuổi 63, ông Phạm Văn Quang đã gần 40 năm vẫn gắn bó với nghề làm khuôn bánh, khuôn xôi, oản... giữa nhịp sống đổi thay không ngừng của Thủ đô, thật khó tìm được cửa hàng làm khuôn thủ công thứ hai ở phố cổ Hà Nội.

Căn nhà số 59 phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khác biệt bởi những nét xưa cũ trên con phố cổ một thời nổi tiếng với nghề chạm khắc khuôn gỗ. Đó là cửa hàng của ông Quang, người thợ làm khuôn bánh trung thu cuối cùng của đất Hà Thành.

Trong không gian chưa đầy 10m2, bên bức tường treo la liệt các loại khuôn bánh trung thu đủ hình, lớn bé, ông Quang cho biết, nghề làm khuôn bánh này có gốc gác từ làng nghề tiện gỗ từ Thường Tín (Hà Nội) được ông nội mang lên phố Hàng Quạt lập nghiệp những năm 1960. Sau khi tham gia chiến tranh biên giới Việt – Lào (1976 -1980), từ quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, ông Quang lại bắt tay vào nghề “cha truyền con nối”, thấm thoắt đến nay đã gần 40 năm. Giữa nhịp sống không ngừng đổi thay, các cụ đã quy tiên, nhiều con cháu chuyển nghề, nhưng ông Quang vẫn gắn bó với nghề xưa, một nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ bậc nhất này.

Thị trường bánh trung thu đang dần theo hướng công nghiệp hoá, sự đa dạng kiểu mẫu, những khuôn bánh nhựa rẻ tiền xuất xứ từ Trung Quốc, hay một số nước trong khu vực dường như đang làm mai một nghề khuôn bánh truyền thống. Nhưng thật mừng, hàng ngày trong căn nhà nhỏ, tiếng chạm đục vào gỗ vẫn âm vang, để cung cấp cho thị trường Tết Trung thu những chiếc khuôn bánh truyền thống, góp phần lưu giữ những nét đẹp văn hoá cổ truyền của Hà Nội. Với ông Phạm Văn Quang, khi làm một chiếc khuôn, ông gửi cả tâm hồn của mình vào đó.

Căn nhà trên phố Hàng Quạt là nơi duy nhất ở khu phố cổ Hà Nội đang lưu giữ nghề làm khuôn bánh trung thu thủ công.


Theo ông Quang, trước đây ở Hà Nội, bánh nướng bánh dẻo không bán nhiều như bây giờ, hồi đó là thức quà xa xỉ lắm, hầu như chỉ những người ở Hà Nội mới mua được để về quê để thắp hương ông bà tổ tiên dịp Tết Trung thu.

Lòng hiếu khách cũng như tính cách của người sống lâu năm ở đất Hà Thành khiến ông Quang rất đông khách từ Sài Gòn, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng… thậm chí ở nước ngoài đến đặt hàng.


Hàng trăm chiếc khuôn gỗ thủ công, không chiếc nào giống chiếc nào. Cùng là một hình, nhưng những đường vân, độ nông sâu tạo cho mỗi chiếc khuôn mang những nét riêng biệt.


Khuôn bánh chủ yếu là hình cá chép, hay hàm ý “cá hóa rồng” thể hiện khát vọng vươn lên, hay chữ Phúc-Lộc-Thọ, hình hoa cúc, hoa sen…


Một mẫu khuôn hình cá chép được tạo hình tinh tế, rất đẹp mắt.


Từ những khúc gỗ vô tri, qua bàn tay khéo léo của ông trở thành những chiếc khuôn đượm hồn dân tộc.

Nhiều mẫu khuôn cửa hàng ông chỉ đặt riêng chứ không sản xuất đại trà.


Ngoài những mẫu khuôn truyền thống, ông cũng đúc khuôn theo yêu cầu khách hàng, Trong ảnh là một mẫu khuôn “trấn tà” khách hàng đặt. Để làm những chiếc khuôn dạng này ông phải kỳ công sưu tầm tư liệu từ những mộc bản cổ chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), hay nghiên cứu ngôn ngữ cổ, hoặc diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt trên những bản khắc của mình. Bởi sự kỳ công như vậy nên nhiều chiếc khuôn đặc biệt có giá tới vài triệu đồng.


Bộ dụng cụ làm khuôn thủ công của ông Quang đơn giản chỉ với bút chì, bút dạ, lưỡi bào, lưỡi đục.


Sắp đến Trung thu, lượng khách đặt khuôn bánh nhiều nên ông Quang phải làm việc miệt mài để kịp giao hàng cho khách.


Dịp này khách hàng tìm đến cửa hàng của ông Quang mua khuôn bánh ngày một đông hơn. Mỗi ngày ông bán được khoảng từ 10 - 20 chiếc khuôn.

Người thợ 63 tuổi không chịu nhận danh nghệ nhân cho biết “nghề nghiệp là duyên nên bên chữ nghề mới có cả chữ nghiệp, nếu không chuyên tâm thì cho có làm cũng dễ lụn bại”. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, tôi thật mong những người đang lưu giữ nghề xưa đất kinh kỳ như ông Quang sẽ còn mãi với thời gian, có những người tâm huyết với nghề tiếp nối, trong nhịp sống chuyển động không ngừng của Hà Nội/.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực