Về bờ Bắc sông Cầu xem tục “ngủ bọn” quan họ

Thứ năm, 25/10/2018 11:19
(ĐCSVN) - Nằm trong không gian văn hóa “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại vùng Kinh Bắc, 5 làng Quan họ cổ ở bờ Bắc Sông Cầu, tỉnh Bắc Giang hội tụ đầy đủ không gian sinh hoạt, lề lối và phong tục chơi quan họ lâu đời.

Vùng Kinh Bắc xưa, bao gồm tỉnh Bắc Ninh ở bờ Nam sông Cầu và tỉnh Bắc Giang ở bờ Bắc Sông Cầu cái nôi của dân ca Quan họ. Trong 49 làng Quan họ cổ được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại, trong đó có 5 làng Quan họ thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang gồm các làng Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ và Sen Hồ.

Hòa mình vào canh hát Quan họ làng Thổ Hà, huyện Việt Yên mới cảm nhận rõ mạch nguồn di sản được tiếp nối và trao truyền nơi đây. Theo tục lệ, Quan họ vào đám, các nam thanh nữ tú tụ hội thành từng bọn để cùng hát. Một “bọn Quan họ” thường là những người trong một làng với nhau, với ý để đối đáp với làng khác. Dù bao giờ và ở đâu đều phải là một tập thể toàn nam hoặc toàn nữ. Người đứng đầu bọn Quan họ nữ gọi là “bà trùm”, người đứng đầu bọn Quan họ nam là “ông trùm”.

Theo các cụ nghệ nhân, xưa kia các “bọn Quan họ” khi gặp gỡ thường hát với nhau kéo dài tới 3 đêm liền, do vậy mới hình thành tục ngủ bọn tại “nhà chứa” (nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa Quan họ, giao lưu, truyền dạy, tiếp đón, nghỉ ngơi Quan họ bạn và du khách). Đó cũng là tục "ngủ bọn", có từ xa xưa.

Theo các nhà nghiên cứu, không gian quan họ ở bờ Bắc sông Cầu rất rộng lớn, lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc của Di sản văn hoá Quan họ với hơn 200 làn điệu Quan họ cổ và hàng ngàn bản được lưu giữ trong nhân dân. Riêng huyện Việt Yên có 130 nghệ nhân có thể hát Quan họ đúng bài bản với những niêm luật và lối hát của lề lối Quan họ cổ, cùng đó hàng trăm cụ ông, cụ bà có độ tuổi từ 70 đến gần 90 vẫn hát và trao truyền Quan họ cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt, phong tục và những quy định nghiêm ngặt về lề lối sinh hoạt của người quan họ trong các canh hát đối đáp, hát hội hay tục “ngủ bọn" của người quan họ vẫn được thực hành gần như nguyên vẹn. Hiện nay ở huyện Việt Yên đã thành lập 25 Câu lạc bộ hát Quan họ. Hàng năm, huyện đều tổ chức liên hoan tiếng hát Quan họ, nhằm phát huy những mỹ tục vùng Kinh Bắc.

Các liền anh liền chị trong canh hát Quan họ ở huyện Việt Yên.


Quan họ cổ có nhiều khái niệm đặc trưng được người xưa đặt ra khi thực hành “nghề chơi” của mình như: “liền anh”, “liền chị”, “ông trùm”, “bà trùm”, “bọn Quan họ”, “nhà chứa” hay “ngủ bọn”… những khái niệm phản ánh vẻ đẹp đặc trưng, riêng biệt và những giá trị lâu đời của văn hoá Quan họ Kinh Bắc.


Điệu hát mời nước, mời trầu để thể hiện tình cảm, sự trọng thị của chủ với khách trước khi bắt đầu canh hát.


Vùng đất cổ ở bờ Bắc sông Cầu gắn với những phong tục đẹp, những giai nhân tài sắc.


Trong canh hát Quan họ thường có ba giọng chính: Giọng sổng - hát lời ướm hỏi để dạo lúc bắt đầu hát; Giọng vặt, những câu hát để đôi bên gắn bó với nhau như: giọng buồn, vui, cao, thấp, ngắn hoặc dài; Giọng bỉ để hát lúc chia tay, nhắn nhủ nhau nhớ những lời hẹn ước...


Cơi trầu têm cánh phượng của người Quan họ.


Các đồng chí đại biểu tỉnh, sở, ngành văn hóa Bắc Giang và du khách dự canh hát, 
 tìm hiểu về tục “ngủ bọn” Quan họ ở huyện Việt Yên.

Trong những năm gần đây, nhằm bảo tồn, phát triển Di sản Quan họ, tỉnh Bắc Giang đã đề ra nhiều hình thức bảo tồn như: trao truyền, quảng bá, xã hội hóa; phục dựng hình thức hát đối đáp cổ ở các làng quan họ; khôi phục, bảo tồn 5 làng Quan họ cổ đã được công nhận và 13 làng đã được xác định thêm từ năm 2006. Ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang phối hợp các địa phương xây dựng các câu lạc bộ hát quan họ ở làng Thổ Hà, Hữu Nghi, Nội Ninh, Trung Đồng, Giá Sơn, Sen Hồ thuộc huyện Việt Yên; đưa Quan họ trở về các làng, xã môi trường đã sinh ra và nuôi dưỡng di sản trong lịch sử, để gìn giữ phát huy các giá trị trân quý của Quan họ trong cộng đồng./.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực