APEC 2017: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững của Peru

Thứ năm, 06/07/2017 17:40
(ĐCSVN) – Bên lề Đối thoại cao cấp về chính sách du lịch bền vững, ông Franz Chevarria Montesinos, Vụ trưởng Vụ Chính sách phát triển du lịch thuộc Chính phủ Peru đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam những kinh nghiệm trong phát triển du lịch bền vững của Peru, khẳng định du lịch bền vững "rất quan trọng với thế giới này".


Ông Franz Chevarria Montesinos, Vụ trưởng Vụ Chính sách phát triển du lịch thuộc Chính phủ Peru.

Cộng hòa Peru là một quốc gia nằm ở phía tây Nam Mỹ, phía bắc giáp Ecuador và Colombia, phía đông giáp Brasil và Bolivia, phía nam giáp Chile và phía tây giáp Thái Bình Dương. Với dân số khoảng 29 triệu người, Peru là một nền kinh tế đang phát triển trong 21 nền kinh tế APEC.

Peru là cái nôi của nền văn minh Inca rực rỡ xưa kia. Những nền văn minh bắt đầu xuất hiện tại Peru khoảng 6.000 năm trước công nguyên. Vào khoảng 3.000 năm sau đó, người dân nơi đây bắt đầu chuyển từ lối sống du mục sang canh tác đất đai, đồng thời với việc thuần hóa nhiều loài động vật như lạc đà lama, lạc đà alpaca và chuột lang. Cư dân nơi đây cũng làm những nghề thủ công trong gia đình như quay tơ dệt vải, đan len, rổ rá và làm đồ gốm. Nền văn hóa cổ xưa nhất được biết đến là Chavin, xuất hiện khoảng năm 900 TCN; và sau đó là nền văn hóa Paracas ở vùng bờ biển phía nam vào khoảng năm 300 TCN. Những nền văn hóa vùng ven biển khác của Peru như Moche và Nazca đã phát triển thịnh vượng trong khoảng thời gian 100 năm trước công nguyên đến năm 700.

Người Moche đã sản xuất ra những đồ kim hoàn và đồ gốm tuyệt tác. Còn người Nazca được biết đến về những đường vẽ kỳ lạ trên mặt đất của họ. Nhưng những nền văn minh tại bờ biển đã nhanh chóng suy tàn và bị hủy diệt khi thảm họa El Nino xảy ra, mang theo lũ lụt và hạn hán. Những nền văn minh Andes như Huari và Tinawaku trở thành những nền văn hóa nổi bật với lãnh thổ bao gồm Peru và Bolivia ngày nay. Họ đã xây dựng những thành phố đầy quyền lực như Chancay, Sipan, Cajamarca và hai đế chế hùng mạnh Chimor và Chachapoyas. Khoảng năm 700, họ đã phát triển những hệ thống tổ chức xã hội, tiền thân của Đế chế Inca sau này.

Địa lý thiên nhiên Peru khá đa dạng, gồm vùng đồng bằng ven Thái Bình Dương, vùng núi cao thuộc dãy núi Andes và khu rừng nhiệt đới của lòng chảo Amazon. Dân cư của nước này gồm nhiều chủng tộc khác nhau gồm thổ dân châu Mỹ, người Tây Ban Nha và người da đen gốc châu Phi.

Ngôn ngữ chính thức ở Peru là tiếng Tây Ban Nha, nhưng vẫn có một phần lớn người dân Peru nói tiếng Quechua và các ngôn ngữ thổ dân khác. Sự hòa trộn giữa các nét văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc đã tạo nên một đất nước Peru có nền văn hóa vô cùng đặc sắc và đa dạng, và là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú của Peru.

Làm thế nào khai thác một cách bền vững nguồn tài nguyên du lịch này nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và bảo tồn các giá trị di sản là câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra với ông Franz Chevarria Montesinos, Vụ trưởng Vụ Chính sách phát triển du lịch thuộc Chính phủ Peru. Về phát triển du lịch bền vững trong tăng trưởng toàn diện và tạo dựng việc làm, ông nói: “Du lịch bền vững rất quan trọng đối với thế giới này, bởi vì du lịch tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo dựng việc làm và thúc đẩy việc bảo tồn sự đa dạng sinh học”.

Nói đến Peru không thể không đề cập đến nền văn hóa Inca – một trong những nền văn hóa rực rỡ nhất của nhân loại. Theo Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở), Inca đã phát triển thành một đế chế rộng lớn nhất thời kỳ Tiền Colombo tại châu Mỹ. Tên của đế chế Inca trong tiếng Quechua là Tihuantinsuyo, có nghĩa là Bốn vùng thống nhất, tức bốn đơn vị hành chính trong đế chế là Chinchasuyo, Antisuyo, Contisuyo và Collasuyo.

Người Inca đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong văn hóa, khoa học, kĩ thuật. Các sản phẩm đồ gốm, kim loại và vải vóc của người Inca đều đạt đến độ tinh xảo và có giá trị nghệ thuật cao. Họ có những biện pháp kĩ thuật đặc biệt để xây dựng những công trình bằng đá không cần dùng đến vữa mà các khối đá vẫn xếp rất khít nhau, trong đó phải kể đến quần thể kiến trúc Machu Picchu và những bức tường thành ở Sacsayhuaman, Cuzco. Hiện nay, Peru đặt việc bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản của đế chế Inca theo hướng bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ông Franz Chevarria Montesinos đã chia sẻ kinh nghiệm của Peru trong việc thúc đẩy du lịch bền vững: “Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn các địa điểm khác nhau đối với du lịch bền vững và chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm với các bạn. Tại các nước khác nhau chúng ta có các cách diễn giải khác nhau, kinh nghiệm khác nhau”.

Vị chuyên gia cao cấp về du lịch đến từ Peru nêu một ví dụ cụ thể: “Ở Peru, chúng tôi có kinh nghiệm trong việc bảo tồn Machu Picchu. Machu Picchu là một khu vực rộng lớn, đây là một khu vực tự nhiên và cũng là một vùng văn hóa, điều này rất quan trọng vì Machu Picchu là một ví dụ cho thế giới, là nơi mà chúng tôi có thể sẻ chia và duy trì sự pha trộn giữa phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên”. 

Đề cập đến Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của Việt Nam, ông nói: “Vịnh Hạ Long là một điển hình về di sản thiên nhiên của thế giới, tôi thấy mình may mắn khi được tới nơi đây và tôi mong muốn các bạn chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc bảo tồn di sản này trong quá trình phát triển du lịch”.

Ông Franz Chevarria Montesinos cho biết, ông luôn muốn chia sẻ kinh nghiệm với các bạn Việt Nam về phát triển du lịch bền vững. Ông nhấn mạnh điều tối quan trọng trong công việc này là “phải thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học trong quá trình phát triển du lịch bền vững”./.

Khắc Kiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực