Nền nông nghiệp Bạc Liêu không ngừng đổi mới và phát triển

Thứ tư, 11/01/2017 14:32
Sau 20 năm qua - từ khi tái lập tỉnh (1/1/1997), nền nông nghiệp Bạc Liêu không ngừng đổi mới và phát triển. Từ một tỉnh sản xuất chuyên lúa, thì nay Bạc Liêu có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững được cả nước biết đến. Có thể kể đến một số mô hình sản xuất chủ lực như cánh đồng mẫu lớn, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính…

Mô hình lúa - tôm ở xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long). 

Trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp - nông thôn Bạc Liêu đã đạt được những thành tựu nổi bật. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp từ 2.237,69 tỷ đồng (năm 1997) đã tăng lên 38.980,35 tỷ đồng (năm 2016), doanh thu bình quân từ 5,42 triệu đồng/ha đất nông nghiệp (năm 1997) tăng lên 151 triệu đồng/ha (năm 2016); tốc độ tăng GDP hàng năm từ 6,62 - 12,33%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp vào thời điểm tái lập tỉnh chiếm trên 70%, thì đến năm 2015 chỉ còn 47,62%.

Sản xuất lúa gạo có bước phát triển nhanh ở giai đoạn thực hiện chương trình ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp (1997 - 2000), sản lượng lúa từ 517.410 tấn (năm 1997) đã tăng lên 893.400 tấn vào năm 2000 (bình quân mỗi năm tăng 82.000 tấn lúa).

Từ năm 2001 đến nay, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi 60.000ha đất lúa; trong đó, chuyển sang mô hình chuyên tôm 30.100ha và tôm - lúa 29.900ha. Tuy nhiên, sản lượng lúa năm 2016 vẫn đạt 1.040.800 tấn, tăng 147.400 tấn so với năm 2000, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho thị trường mỗi năm từ 150.000 - 450.000 tấn lúa hàng hóa.

Về nuôi trồng thủy sản, quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng đều tăng nhanh. Bạc Liêu hiện là tỉnh đứng thứ hai về diện tích và sản lượng tôm nuôi so với cả nước và khu vực ĐBSCL. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2016 đạt 304.400 tấn, tăng 6,09 lần so với năm 1997; trong đó, sản lượng tôm từ 12.234 tấn (năm 1997) đã tăng lên 123.500 tấn (năm 2016). Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 134.711ha, tăng 3,2 lần so với năm 1997; năng suất nuôi trồng thủy sản bình quân từ 0,24 tấn/ha (năm 1997) tăng lên 1,46 tấn/ha (năm 2016)...

Nông nghiệp Bạc Liêu phát triển nhờ có những mô hình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững. Trong sản xuất lúa phải nói đến xây dựng và hình thành vùng chuyên canh lúa quy mô gần 57.200ha; sản xuất 2 - 3 vụ/năm với các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày và lúa đặc sản địa phương. Đồng thời tỉnh đã xây dựng hàng chục mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 5.500ha. Nông dân áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất tổng hợp có hiệu quả như tôm sú - lúa, tôm sú - lúa - tôm càng xanh, lúa - màu, lúa - cá, VACB (vườn - ao - chuồng - biogas), VAC (vườn - ao - cá), RVACB (ruộng - vườn - ao - cá - biogas)... Từ đó góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị sản xuất, cải thiện đời sống người dân.

Đối với sản xuất và phát triển các loại cây thực phẩm, bước đầu các ngành chức năng tỉnh triển khai cho nông dân áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất rau an toàn và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Thanh nhãn, măng tây, ngò rí, hẹ lá...

Cùng với đó, nhờ đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo đồng muối và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho diêm dân nên nghề muối có sự chuyển biến tích cực. Diêm dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất muối đen sang sản xuất muối trắng trải bạt trên nền sân kết tinh. Năm 2016, toàn tỉnh có 83ha đất muối xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Sản lượng muối bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 80.000 - 250.000 tấn. Những năm gần đây, muối thực phẩm Bạc Liêu đã xuất khẩu, bước đầu thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trên đất muối trong những tháng mùa mưa ngày càng được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân.

Xác định thế mạnh lớn nhất của địa phương là nuôi tôm nên lãnh đạo tỉnh đặt mục tiêu Bạc Liêu trở thành vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước và quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Hiện cả nước biết đến Bạc Liêu với các mô hình nuôi tôm hiện đại, hiệu quả.

Đơn cử như mô hình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) với quy mô 50ha. Đây là mô hình vượt trội và ứng dụng công nghệ cao giúp nuôi tôm ổn định, bền vững cũng như tránh những tác động bất ổn từ bên ngoài, giảm thiểu được rủi ro và cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, truy xuất được nguồn gốc từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn… Hay mô hình nuôi tôm sinh học 2 giai đoạn áp dụng công nghệ Biofloc của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh. Áp dụng mô hình này, tôm nuôi đạt từ 35 - 50 con/kg qua 3 tháng nuôi, năng suất trung bình 150 - 200 tấn/ha/năm; tiết kiệm thời gian nuôi và tăng lên 4 - 5 vụ/năm. Mô hình này được nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL tham quan, học hỏi kinh nghiệm…

Ngoài việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững, tỉnh cũng tích cực kêu gọi các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu các mặt hàng nông sản cho nông dân. Từ mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp, hiện nay đã có 25.200ha lúa được bao tiêu với sản lượng 101.330 tấn; 504ha tôm nuôi được bao tiêu với sản lượng trên 100 tấn; 5ha muối được bao tiêu với sản lượng 400 tấn; 10ha chăn nuôi heo được bao tiêu với số lượng 29.000 con. Bên cạnh đó, các đơn vị, công ty, doanh nghiệp trong tỉnh cũng quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống; phát triển thị trường tiềm năng, thị trường mới; coi trọng phát triển thị trường nội địa và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, tiêu thụ nông, thủy sản; thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng…

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh: “Qua 20 năm từ khi tỉnh tái lập, nền nông nghiệp Bạc Liêu có sự phát triển vượt bậc. Từ một nền nông nghiệp thấp, đến nay Bạc Liêu có các mô hình cánh đồng mẫu lớn, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao… Đây là bước tiến trong sản xuất cây trồng, vật nuôi để tỉnh phát triển và đi lên từ nông nghiệp”.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực