Nhà cổ Bạc Liêu: Khai thác phục vụ du lịch chưa tương xứng

Thứ hai, 04/12/2017 14:02
Trải qua hơn 1 thế kỷ, nhiều ngôi nhà cổ ở Bạc Liêu vẫn còn lưu giữ khá vẹn nguyên những tinh hoa nghệ thuật kiến trúc, in đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của Bạc Liêu xưa. Di sản văn hóa vật thể quý báu này cũng đã được quan tâm bảo tồn và khai thác phục vụ công tác phát triển du lịch, nghiên cứu. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng của nhà cổ…

Du khách đến tham quan nhà cổ là trụ sở Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh. Ảnh: H.T

Theo báo cáo kiểm kê di sản văn hóa của Bảo tàng tỉnh, Bạc Liêu có 1 quần thể công trình kiến trúc phố chợ và 21 công trình kiến trúc đơn lẻ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Được xem di sản văn hóa vật thể vô cùng độc đáo, nhà cổ góp phần làm đa dạng hệ thống sản phẩm du lịch, tạo sức hút đặc biệt đối với du khách khi đặt chân đến Bạc Liêu. Ngoài ra, những căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây và Á Đông còn phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, học tập. 

Thế nhưng, vấn đề khai thác tiềm năng và giá trị của nhà cổ lại chưa được quan tâm đúng mức. Việc xếp hạng 12 nhà cổ là di tích nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh là hành động cần thiết khi những “báu vật” đã và đang bị xâm hại bởi quá trình đô thị hóa, tác động của môi trường. Nhưng như thế vẫn chưa đủ nếu nhà cổ không được sớm bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có.

Thực tế đã cho thấy sự lãng phí của Bạc Liêu đối với các di sản văn hóa vật thể này. Theo ghi nhận, du khách đến Bạc Liêu muốn tìm hiểu, khám phá nhà cổ nhưng không biết liên hệ với cơ quan, đơn vị nào để được hướng dẫn cụ thể. Hay có đến tận nơi thì du khách cũng đành “bó tay” với những nhà cổ là trụ sở cơ quan luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài” vào ngày cuối tuần. Mới đây, một đoàn du khách đến với TP. Bạc Liêu đã bị cuốn hút trước vẻ đẹp của ngôi nhà cổ hiện là trụ sở Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh. Sau một vòng tham quan và chụp ảnh, du khách phải tiếc nuối ra về do không có người thuyết minh, không tìm được bất kỳ một tấm bảng có thông tin giới thiệu về ngôi nhà cổ này. 

Ông Huỳnh Chí Trung (đến từ TP. HCM) chia sẻ: “Phần lớn khách du lịch đến Bạc Liêu vào dịp cuối tuần. Ngoài việc tìm hiểu các điểm du lịch tiêu biểu khác thì những ngôi nhà cổ cũng gợi sự hiếu kỳ, hấp dẫn du khách. Nhưng nhiều ngôi nhà là trụ sở của các cơ quan lại đóng cửa, còn nhà cổ của người dân thì ngại cho khách tham quan. Rất khó khăn để tìm được địa chỉ của các nhà cổ, song đến nơi thì chúng tôi phải “tay không ra về”. Từ đó cho thấy, cách phát huy giá trị nhà cổ trong thu hút du khách, phát triển du lịch của Bạc Liêu chưa hiệu quả”.

Bên cạnh đó, vấn đề khai thác nhà cổ phục vụ công tác nghiên cứu và học tập cũng không diễn ra thường xuyên. Trường đại học Bạc Liêu là một trong những đơn vị hiếm hoi tổ chức cho sinh viên tham quan, tìm hiểu nhà cổ. Đây được xem là hoạt động mang ý nghĩa tạo cơ hội vừa chơi - vừa học, kích thích sinh viên khám phá văn hóa, lịch sử địa phương. “Những công trình kiến trúc đẹp sống mãi với thời gian làm tôi thêm tự hào vì quê hương Bạc Liêu chứa đựng bản sắc văn hóa, lịch sử rất độc đáo. Thông qua việc tham quan còn trang bị cho sinh viên nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích phục vụ việc học tập. Thiết nghĩ, hoạt động thực tế ý nghĩa cần được quan tâm, tổ chức thường xuyên hơn”, Chúc Ly, sinh viên Trường đại học Bạc Liêu, bày tỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách khai thác phù hợp và kịp thời sẽ là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn nhà cổ, góp phần tạo thêm điểm nhấn cho du lịch Bạc Liêu. Sẽ rất lãng phí nếu cứ mặc cho nhà cổ ngày càng “già yếu”. Bài toán đánh thức giá trị, tiềm năng của di sản văn hóa vật thể này đang trông chờ vào sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền địa phương và ngành chức năng ở Bạc Liêu.

Theo baobaclieu.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực