Nông dân tập trung xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm

Thứ hai, 02/10/2017 11:17
Mưa kéo dài trong những ngày qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong vùng chuyển đổi lúa - tôm ở các huyện: Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai tháo chua, rửa phèn đồng ruộng. Nông dân đang tập trung cải tạo đất để chuẩn bị xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh.
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch dứt điểm vụ tôm
 để chuẩn bị xuống giống vụ lúa trên đất tôm.

Theo số liệu quan trắc, độ mặn ở những vùng chuyển đổi thuộc các địa phương chỉ dao động từ 2 - 3‰, có những nơi chỉ còn 1‰. Độ mặn thấp nên thuận lợi cho nông dân xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Anh Phạm Văn Nghiêm (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) chuẩn bị gieo sạ hơn 2ha với giống lúa OM 5451. Theo anh Nghiêm, nhờ điều kiện thời tiết năm nay khá thuận lợi nên việc cải tạo đất không tốn nhiều công sức cũng như chi phí so với những vụ mùa trước. Anh Nghiêm chia sẻ: “Trước đây, độ mặn thường từ 5 - 6‰ nên tôi phải bơm nước rửa đất nhiều lần, sau đó phải mua vôi về bón mặt ruộng để hạ phèn, giảm độ mặn... Nhiều khi gặp nắng nóng cục bộ thì phải sạ lại, rất tốn kém. Còn năm nay, chỉ cần bơm tát nước rửa đất vài lần và bừa kỹ là có thể gieo sạ”.

Nhiều nông dân ở xã Vĩnh Phú Tây tranh thủ xuống giống từ khá sớm, hiện lúa phát triển tốt. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Phước Long, vào thời điểm này, nông dân trong huyện đã xuống giống hơn 4.500ha lúa trên đất nuôi tôm; tập trung nhiều ở các xã: Phước Long, Vĩnh Phú Tây, thị trấn Phước Long... Các loại giống gieo sạ chủ yếu là Một bụi đỏ, OM 5451, OM 2517...

Theo bà con, chi phí sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay không tăng nhiều so với mọi năm. Cụ thể, giá thuê nhân công xới đất dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/công, phí bơm tát nước 100.000 - 150.000 đồng/ha… Ngoài ra, giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức bình ổn.

Tuy nhiên hiện nay, một số diện tích xuống giống khá sớm đang gặp phải tình trạng rong bám vào thân lúa làm cho cây lúa chậm lớn hoặc  thúi rễ và chết. Cùng với đó, do một số nông dân cải tạo đất chưa đúng kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nên sau một một thời gian ngắn phát triển, cây lúa bị thối rễ, vàng lá do gặp phải lớp đất mặn.

Ông Nguyễn Văn Liệt (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) nói: “Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay tuy thời tiết thuận lợi, song, không vì thế mà mình chủ quan. Nếu không cải tạo đất đúng kỹ thuật cũng như chăm sóc tốt ruộng lúa thì cũng có thể bị thất bát”.

Năm nay, huyện Hồng Dân có hơn 21.000ha lúa trên đất nuôi tôm. Để giúp nông dân vùng chuyển đổi xuống giống kịp thời vụ, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ về các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn bà con kỹ thuật cải tạo đất cũng như chọn những giống lúa phù hợp để gieo sạ. Đồng thời phối hợp với Trạm thủy nông xây dựng lịch đóng, mở hệ thống cống hợp lý, điều tiết lấy nước ngọt, xổ phèn phục vụ sản xuất của người dân”.

Theo ông Trần Minh Lý, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân: “Để giúp nông dân có một vụ mùa thành công, Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên đo độ mặn, lấy mẫu nước ở hầu hết các tuyến kênh, rạch để làm cơ sở khuyến cáo; hướng dẫn nông dân các bước cải tạo đất trước khi gieo sạ. Hy vọng, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay bà con có một mùa bội thu”.

theo baobaclieu.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực