Nói không với túi ni-lon, hướng đến môi trường không rác thải nhựa

Thứ ba, 14/05/2019 23:25
(ĐCSVN) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phong trào “Chống rác thải nhựa”, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã kêu gọi người dân thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni-lon khó phân hủy góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Bạc Liêu là một trong những tỉnh đang triển khai hiệu quả phong trào này.

Ông Phạm Quốc Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường  tỉnh Bạc Liêu
(Ảnh: Bích Liên)

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Quốc Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bạc Liêu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên (PV): Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã triển khai những biện pháp gì để hạn chế rác thải nhựa và ni-lon thưa ông?

Ông Phạm Quốc Nam: Nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng chung tay chống rác thải nhựa, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc phát động phong trào Chống rác thải nhựa và Kế hoạch về Lộ trình giảm thiểu tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni-lon khó phân hủy để bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện các nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Đặc biệt, Sở cũng ban hành Kế hoạch phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng nhiều hình thức như: phát túi môi trường xanh cho cán bộ nữ trong Sở nhân dịp lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3, phát động phong trào chống rác thải nhựa tại các buổi sinh hoạt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền mạnh mẽ vấn đề chống rác thải nhựa trên cổng thông tin điện tử của Sở, bản tin tài nguyên và môi trường…Tuyên truyền, vận động nhân dân xách giỏ đi chợ hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni-lon khó phân hủy và phân loại các sản phẩm nhựa, chất thải túi ni-lon khó phân hủy tại nguồn, tạo điều kiện thuận lợi để thu gom, tái chế.

Vừa qua, Sở đã triển khai việc treo hơn 200 băng rôn, 23.200 tờ rơi tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tại các trung tâm chợ, trường học trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền 661 cuộc cho 13.217 người tham dự và kết hợp ra quân năm môi trường, làm sạch môi trường, thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng từ nhựa, bao bì và có 122.035 hố xử lý rác tại hộ gia đình với 40.528 hộ đăng ký cho xe thu gom rác…

PV: Thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lon trong sinh hoạt hàng ngày không phải ngày một ngày hai mà làm được ngay. Vậy chúng ta có những cách nào để thay đổi thói quen này thưa ông?

Ông Phạm Quốc Nam: Để làm được việc này, chúng tôi đã kêu gọi các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đặc biệt là các siêu thị, chợ nơi tập trung đông người tham gia thực hiện, cụ thể như: Đọc loa tuyên truyền đến khách hàng khi tham quan mua sắm tại siêu thị, vận động khuyến khích khách hàng dùng túi môi trường xanh Co.op Mart hoặc có thể xách giỏ đi chợ của gia đình vào siêu thị để mua sắm; kêu gọi mọi người hạn chế tối đa các vật dụng sử dụng một lần trong việc mua sắm sinh hoạt trong gia đình hàng ngày.

Tại trường học, khu vực dân cư xung quanh trường học, chúng tôi tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, nói không với sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh không sử dụng túi ni-lon; vệ sinh và phân loại rác thải túi ni-lon, rác thải hữu cơ chuyển cho đơn vị chức năng xử lý.

Chúng tôi cũng vận động các hợp tác xã (HTX) phát động phong trào và huy động sự tham gia của thành viên và người lao động của HTX trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni-lon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; xách giỏ đi chợ hạn chế sử dụng túi ni-lon và phân loại chất thải túi nilon khó phân hủy tại nguồn tạo điều kiện thuận lợi để thu gom, tái chế.

Ngoài ra, Sở TN&MT còn phối hợp với các ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn … thực hiện mô hình ủ rác hữu cơ thành phân compost. Tính từ năm 2012 đến nay, các đơn vị đã thực hiện 2740 thùng cho 2740 hộ dân. Qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, các đơn vị trong tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng các mô hình quản lý, thu gom, vận chuyển xử lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” để thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật tại các huyện có khu vực trồng lúa, hoa màu nhiều bằng hình thức xây dựng các hố bê tông (đã xây dựng được 230 hố bê tông) để chứa bao, gói thuốc bảo vệ thực vật, định kỳ 06 tháng thu gom xử lý 01 lần.

 


Người dân thu gom rác, túi ni-lon,  rác thải thải nhựa tại khu dân cư xã Phước Long,
huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: K.T)

PV: Xin ông cho biết những khó khăn mà Bạc Liêu đang gặp phải trong việc thu gom xử lý rác nói chung và ô nhiễm từ rác thải nhựa và ni-lon nói riêng? Tỉnh Bạc Liêu đã có giải pháp gì để đạt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 giảm thiểu túi ni-lon, rác thải nhựa khó phân hủy thưa ông?

Ông Phạm Quốc Nam: Về công tác thu gom xử lý rác, trên các tuyến đường giao thông chính của tỉnh đều đã có Trung tâm dịch vụ đô thị tỉnh và các huyện, thị xã thu gom xử lý rác nhưng do đặc điểm địa hình của tỉnh có sông, kênh, rạch chằng chịt, các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được hoàn chỉnh nên xe không tới nơi để thu gom. Đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong công tác thu gom xử lý rác ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các bãi rác tập trung của thành phố ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi và bãi rác tập trung ở thị xã Giá Rai đang trong tình trạng quá tải cũng gây khó khăn cho công tác thu gom xử lý rác.

Về ô nhiễm từ rác thải nhựa và ni-lon, các sản phẩm này từ lâu đã trở thành vật dụng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, vì tiện lợi và phù hợp thói quen mua bán nhỏ, lẻ. Đây là nguyên nhân khiến rác thải nhựa gia tăng. Bên cạnh đó việc sản xuất các sản phẩm để thay thế túi ni-lon còn hạn chế, giá thành cao nên việc thực hiện phong trào chưa phát huy hiệu quả cao được.

Để giải quyết những khó khăn trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và lộ trình giảm thiểu tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni-lon khó phân hủy để bảo vệ môi trường trên địa. Theo đó,  đến năm 2020 sẽ giảm 65% khối lượng túi ni-lon khó phân hủy trong sinh hoạt và tăng cường thu gom, tái sử dụng 50% tổng lượng chất thải túi ni-lon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phối hợp với các ngành nghiên cứu đề xuất đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lon để từng bước thay thế các sản phẩm nhựa ni-lon.

Đặc biệt, Tỉnh sẽ tiếp tục dành một phần kinh phí sự nghiệp môi trường để phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ cho xã nông thôn mới thực hiện các hoạt động ra quân làm vệ sinh môi trường lồng ghép vào việc tuyên truyền đến cộng đồng và xã hội về tác hại của các sản phẩm nhựa, túi ni-lon khó phân hủy đối với môi trường. Hoàn thiện các chính sách ưu đãi sản xuất cũng như các cơ chế khuyến khích sử dụng đối với các sản phẩm hạn chế phát sinh rác thải nhựa ra môi trường.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực