Xã hội học tập - Động lực của sự phát triển

Thứ năm, 15/06/2017 17:47

(ĐCSVN) - Để đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển, những năm qua, Bạc Liêu đã tiến hành thực hiện tốt chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời nhằm nâng cao năng lực làm việc và thích ứng với sự phát triển. Bởi vì, xã hội học tập chính là động lực của sự phát triển.

Xây dựng xã hội học tập là công việc lâu dài, cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.  Ảnh giaoduc.net.vn

Quán triệt chủ trương của Đảng về xây dựng xã hội học tập, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức triển khai đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với tình hình của địa phương. Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có chất lượng các phong trào “học tập” trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với việc “học tập suốt đời”, xem đây là trách nhiệm chung của Đảng, của Nhà nước và của mỗi người, mỗi gia đình, là mục tiêu nâng cao cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân; góp phần xây dựng xã hội học tập thiết thực, hiệu quả.

Qua 10 năm xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13-4-2017 của Bộ Chính trị; nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đối với công tác xây dựng xã hội học tập đã từng bước được nâng lên; sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ cho hội khuyến học và phòng trào khuyến học trong tỉnh. Đặc biệt là sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh, đã thúc đẩy các hoạt động của Hội khuyến học ngày càng mạnh mẽ và đạt được kết quả khá toàn diện. Bên cạnh đó, vai trò nòng cốt của Hội khuyến học các cấp được phát huy; liên kết, phối hợp với nhiều tổ chức và lực lượng xã hội để đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; tạo nên một phong trào có tính xã hội rộng lớn, có chất lượng và hiệu quả. Ngoài ra, ngành Tuyên giáo chủ động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo cùng Hội khuyến học tỉnh có nhiều giải pháp tích cực cùng các địa phương, các tổ chức đoàn thể nhân dân và cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động xây dựng xã hội học tập. Đến nay tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đến trường đạt 99,88%; đã huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,49%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 91,19%; trẻ từ 11 đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 94,03%; tỉnh tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Huy động trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt tỷ lệ 91,78%; thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt tỷ lệ 85,93%; tỉnh tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi biết chữ của toàn tỉnh đạt 98,08%; số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi biết chữ đạt tỷ lệ 81,64%; tỉnh tiếp tục đạt chuẩn xóa mù chữ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả khá, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác. Hầu hết, đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Xây dựng xã hội học tập là công việc lâu dài, cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, sơ tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã hội học tập, từ đó kịp thời đề ra giải pháp thực hiện để phát huy kết quả đạt được trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, phát huy tinh thần, trách nhiệm, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thì phong trào xây dựng xã hội học tập nơi đó đạt hiệu quả cao hơn và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cần phát huy tính chủ động trong công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành; làm tốt công tác tuyên truyền để các tổ chức và cá nhân hiểu được lợi ích thiết thực của việc xây dựng xã hội học tập, qua đó các tổ chức và cá nhân tự giác tham gia sẽ tạo nên phong trào sâu rộng, bền vững và đạt được mục tiêu đã đề ra. Tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội Khuyến học các cấp vững mạnh ngay từ cơ sở, tăng cường phát triển hội viên; xây dựng và phát triển ngày càng nhiều gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học để tiến tới xây dựng cộng đồng hiếu học để làm động lực cho sự phát triển của xã hội./.


Lê Văn Dững
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực