“Giải cứu” than?

Thứ ba, 27/06/2017 17:17
(ĐCSVN) – Dù doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 tăng 10% so với 6 tháng đầu năm 2016, nhưng Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn chưa “giải cứu” được 9,3 triệu tấn than thương phẩm tồn kho. Không “giải cứu” được than tồn kho, TKV sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.
Khai thác than càng ngày càng xuống  sâu làm tăng chi phí. (Ảnh: vov.vn).

Than trong nước dư thừa nhiều nhưng hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu một khối lượng lớn than từ nước ngoài để phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp. Đó là nghịch lý đã và đang tồn tại nhiều năm nay.

Giá thành sản xuất than trong nước những năm qua tăng, được TKV lý giải là do khai thác than ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển; suất đầu tư tăng kéo theo tăng chi phí khấu hao và lãi vay; chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá than.

Cứ theo lý giải của TKV, khởi nguồn của mọi nguyên nhân có lẽ đều do lỗi khách quan?

Vẫn biết nguyên nhân khách quan thường có trong bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhưng đó chưa chắc đã phải là nguyên nhân chính. Quản trị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh thông minh với tầm nhìn xa hay nói cách khác là yếu tố con người luôn đóng vai trò quyết định sự thành công.

TKV được thụ hưởng không ít sự hỗ trợ, ưu đãi, đáng ra nội lực phải khỏe, đủ sức cạnh tranh trong mọi hoàn cảnh... Nhưng thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh than lại phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay, đồng thời chưa chú trọng vào việc sử dụng công nghệ mới và tiên tiến để thay thế toàn bộ công nghệ cũ, lạc hậu khi khai thác than ngày càng xuống sâu và xa hơn.

Việc “giải cứu” 9,3 triệu tấn than thương phẩm đang tồn kho hiện đang là “ bài toán” khó khi than nhập khẩu rẻ hơn than trong nước.

TKV chưa chắc đã chấp nhận việc bán than dưới giá sản xuất, còn việc dùng ngân sách nhà nước mua than tồn kho có lẽ càng khó hơn nếu không nói là gần như không thể. Dù việc “giải cứu” than tồn kho rất khó, nhưng TKV phải làm. Nếu không, có thể một số mỏ than sẽ phải đóng cửa, hàng nghìn lao động có nguy cơ mất việc làm.

Khó khăn hiện tại của TKV nếu không giải quyết được sẽ là thách thức cho sự phát triển bền vững. Vấn đề TKV cần làm là phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu Tập đoàn gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó lấy việc đổi mới quản trị doanh nghiệp, chiến lược sản xuất, kinh doanh... là trung tâm để  chi phí sản xuất than rẻ hơn, chất lượng hơn, năng suất nhiều hơn.

Nhìn nhận đúng sức mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp sẽ làm mới doanh nghiệp nhanh nhất, phát triển bền vững nhất, thay vì...  tìm kiếm sự trợ giúp./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực