Bắc Giang có xóa được lò vôi thủ công vào cuối năm nay?

Thứ ba, 11/06/2019 15:47
(ĐCSVN) - Theo quy định từ năm 2015 của UBND tỉnh Bắc Giang, đến ngày 31/12/2019 sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của lò vôi thủ công trên địa bàn. Đến nay, thời hạn cuối đã cận kề, nhưng hàng chục cơ sở tại các xã Hương Vỹ, Đông Sơn, Bố Hạ (Yên Thế) vẫn chưa thực hiện phương án chuyển đổi.

Theo kế hoạch, đến ngày 31/12/2019 tỉnh Bắc Giang sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của lò vôi thủ công.

Thời gian gần đây, Hợp tác xã (HTX) Chế biến vôi Ngân Hồng, xã Hương Vĩ (Yên Thế) luôn duy trì tối đa công suất hoạt động các lò vôi thủ công liên hoàn. Ngoài tự sản xuất, đơn vị còn bao tiêu sản phẩm của các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn, mỗi ngày cung ứng hơn 200 tấn vôi cho thị trường. Bà Nguyễn Thị Mai Hồng, Giám đốc HTX chia sẻ, đơn vị đã biết kế hoạch giải tỏa trên nên từ năm 2018 đã lập dự án chuyển sang sản xuất vôi công nghiệp. Tuy vậy, sau hơn 1 năm triển khai đơn vị vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan. Đến nay, dù thời hạn giải tỏa đã cận kề nhưng đơn vị vẫn chưa được thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án. “Dự kiến, việc xây dựng nhà máy mới sẽ kéo dài khoảng 1 năm. Trong khi đơn hàng cung ứng vôi đã ký kết, thực hiện hằng ngày, việc chậm triển khai dự án đã đẩy HTX vào thế khó, nguy cơ mất mối hàng. Đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan có chính sách "hỗ trợ phù hợp giúp HTX ổn định sản xuất”- bà Hồng nói. 

Cách đó không xa, HTX Sản xuất và chế biến vôi Hồng Điều cũng luôn đỏ lửa. Ông Nguyễn Hồng Điều, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, hiện đơn vị đang có hai lò thủ công, công suất 30 tấn/ngày. Gần một năm nay, các lò luôn chạy hết công suất nhưng vẫn không đủ đáp ứng đơn hàng. Hiện, đơn vị đang tạo việc làm cho 6 lao động, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, khi nhắc đến kế hoạch giải tỏa lò vôi thủ công, ông Điều tỏ ra bất ngờ, cho rằng đơn vị mình chưa nhận được thông tin nào từ cơ quan có thẩm quyền nên chưa có phương án chuyển đổi, dỡ bỏ?! “HTX mới đầu tư hơn 2 tỷ đồng cải tạo, xây dựng lò vôi, cùng đó là hàng chục đơn hàng, công nợ đã ký nên chưa thể dừng hoạt động vào cuối năm nay. Để chuyển đổi, đơn vị cần 2 năm thực hiện công tác chuẩn bị liên quan” - ông Điều quả quyết.    

Không chỉ các HTX, hiện nay, trên địa bàn xã Hương Vĩ cũng đang có hàng chục hộ gia đình duy trì lò vôi thủ công. Theo ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Hương Vĩ, sau một thời gian tạm lắng, gần đây nghề sản xuất vôi đã phát triển trở lại, sản lượng vôi thành phẩm toàn xã ước đạt khoảng 40 nghìn tấn/năm, gấp nhiều lần giai đoạn trước. Đây là nghề truyền thống đã giúp hàng trăm lao động có việc làm, thu nhập. Đến nay, hầu hết các hộ, đơn vị đều chưa hoàn thành phương án chuyển đổi. UBND xã cũng nhiều lần khảo sát, đưa nghề mới về giúp người dân nhưng chưa có kết quả.

Đầu ra ổn định, nhiều lò vôi thủ công tại Yên Thế vẫn hoạt động.

Thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 80 lò vôi thủ công, tập trung chủ yếu tại các xã Đông Sơn, Hương Vĩ và Bố Hạ, huyện Yên Thế. Trong bối cảnh các huyện, thành phố trong tỉnh và một số tỉnh lân cận đang “gồng mình” phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở sản xuất vôi thủ công tại Yên Thế đang hoạt động hết công suất, đáp ứng nhu cầu sử dụng vôi bột của người dân, doanh nghiệp. Vôi ra lò đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Nhiều ý kiến cho rằng, nghề truyền thống này đã gắn bó lâu dài với các hộ dân. Vôi bột hiện nay là thành phần không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến thép và bột giấy; trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người, khi xóa bỏ sẽ dẫn đến một số hệ lụy…

Tuy vậy, thực tế cho thấy, đây là nghề nặng nhọc, vất vả, phát sinh nhiều khói bụi, tác động xấu đến môi trường; chủ trương xóa bỏ lò vôi thủ công đã được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành từ năm 2015, với lộ trình rõ ràng giúp các hộ, đơn vị liên quan chủ động phương án giải tỏa. Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế chia sẻ: Từ năm 2017, UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, xã, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở ký cam kết giải tỏa đúng lộ trình, thời hạn quy định… Tuy vậy, cái khó hiện nay là hầu hết các lò vôi đều thu hút lực lượng lao động thời vụ, chủ yếu có tuổi đời từ 50 đến ngoài 60 nên khó chuyển đổi sang nghề nghiệp khác. Trong khi đó, dù “nước đã đến chân”, các đơn vị liên quan vẫn chưa chịu “nhảy” gây khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch trên.      

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho rằng, UBND huyện Yên Thế và các xã cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân, đơn vị liên quan kiên quyết thực hiện đúng kế hoạch giải tỏa đề ra nhằm chấm dứt hoạt động sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bảo đảm mục tiêu chuyển đổi sản xuất vôi sang công nghệ hiện đại, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định bảo vệ môi trường./. 

Hồng Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực