Bài 2: Lợi dụng Nghị quyết đại hội đại biểu xã viên để làm trái

Thứ bảy, 31/12/2016 22:20
(ĐCSVN) - Lợi dụng việc người dân thiếu thông tin về chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước, liên tục trong nhiều năm qua, Ban quản lý Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Trần Đăng (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã cố tình làm sai quy định khi thu của nông dân hàng tỷ đồng tiền thủy lợi phí để sử dụng sai mục đích.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo làm rõ vi phạm thủy lợi phí tại Hợp tác xã Trần Đăng, huyện Ứng Hòa

Khi chính sách vì dân của Nhà nước bị lợi dụng

Người dân xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội bức xúc phản ánh với phóng viên. 

 

Số tiền sai phạm hàng tỷ đồng

Theo phản ánh của người dân thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn (Ứng Hòa), trong thời gian 5 năm (2009 - 2013), HTXNN Trần Đăng đã tiến hành thu nhiều khoản phí sai quy định. Sau khi bị người dân phát giác, việc làm này đã gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Cụ thể, căn cứ vào tài liệu do người dân cung cấp cho phóng viên, liên tục từ tháng 3/2009 đến năm 2013, HTXNN Trần Đăng đã tổ chức thu tiền thủy lợi phí của xã viên HTX với mức thu 17 - 18 kg thóc/sào/năm. Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thôn Trần Đăng vào khoảng 5.000 sào, số tiền thủy lợi phí thu được hàng năm là không hề nhỏ. Khoản tiền thu được, theo lý giải của cán bộ HTXNN Trần Đăng là được họ sử dụng để chi trả tiền điện bơm nước, tiền dầu, công vận hành, quản lý và sửa chữa máy… Tuy nhiên, điều khó hiểu ở đây là theo quy định của Nhà nước, hàng năm, HTXNN Trần Đăng vẫn đều đặn được Công ty ĐTPT thủy lợi Sông Nhuệ chuyển trực tiếp khoản kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí. Ghi nhận từ số liệu của Công ty ĐTPT thủy lợi Sông Nhuệ, giai đoạn 2009 - 2014, đơn vị này đã hỗ trợ cho HTXNN Trần Đăng khoản tiền 1,04 tỷ đồng. Song, khoản kinh phí đáng nhẽ ra phải dùng để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con thôn Trần Đăng thì lại được HTX sử dụng tùy tiện, sai mục đích khi mang đi xây dựng các công trình phúc lợi, xây dựng đường giao thông nội đồng…

Ông Nguyễn Hữu Cường, một người dân ở thôn Trần Đăng bức xúc cho biết: Gần đây, qua báo đài, chúng tôi mới được biết là Nhà nước đã hỗ trợ tiền thủy lợi phí cho người dân từ năm 2009. Nhưng ở đây, cán bộ các cấp không hề đả động gì đến vấn đề này. Họ cố tình bưng bít thông tin, “lờ” đi chính sách vì dân của Nhà nước để ép người dân phải đóng góp nhiều khoản sai quy định. Ai có ý không đóng thì họ “đe” cắt điện, cắt nước sản xuất.

Tìm hiểu được biết, Mục 5, Điều 19, Nghị định số 115/2008/NĐ-CP, ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định: “Miễn thuỷ lợi phí đối với diện tích mặt đất, mặt nước trong hạn mức giao đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối…”. Điều 7, Quyết định số 36, ngày 10/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: “Miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân…”. Như vậy, căn cứ vào những nội dung ở trên, rõ ràng HTXNN Trần Đăng buộc người dân đóng tiền thủy lợi phí từ năm 2009 đến năm 2013 là việc làm đi ngược lại chủ trương quy định của Nhà nước.

Lý giải về vấn đề này, đại diện HTXNN Trần Đăng lại “đổ” hết cho Đại hội đại biểu xã viên. Theo đó, toàn bộ các khoản thu thủy lợi phí và việc sử dụng tiền cấp bù thủy lợi phí của HTX thời gian vừa qua đều bảo đảm công khai, minh bạch và được quy định trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu xã viên. Sau khi phương án thu, chi được xã viên biểu quyết thông qua thì HTX mới triển khai thực hiện. Song, vấn đề ở đây là xã viên biểu quyết nhất trí thông qua phương án thu, chi do HTX đưa ra vì họ không hề được biết đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thủy lợi phí. Ngay cả trong trường hợp Nghị quyết của Đại hội đại biểu xã viên quy định thì việc thu thủy lợi phí của HTXNN Trần Đăng vẫn thể hiện cách làm việc sai nguyên tắc, vi phạm những quy định hiện hành.

Dư luận đặt ra nghi vấn, có hay không động cơ vụ lợi của một số cá nhân xung quanh vi phạm này? Và số tiền thu sai của người dân trong thời gian từ tháng 3/2009 đến năm 2013 (theo tính toán của người dân là khoảng gần 2 tỷ đồng) đã được HTXNN Trần Đăng sử dụng vào những công việc gì hay đã “chảy” vào túi những cá nhân nào? Điều đáng nói là số tiền này đã được sử dụng để phục vụ cho nhiều nội dung không có trong quy định; không có hóa đơn, chứng từ.

Phiếu thu thủy lợi phí do HTXNN Trần Đăng cấp cho người dân. 

Người dân không nhất trí với kết luận của Thanh tra huyện

Bức xúc trước những sai phạm nghiêm trọng của HTXNN Trần Đăng, người dân địa phương đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng các cấp để đề nghị làm rõ việc thu thủy lợi phí sai quy định, cũng như trách nhiệm của cán bộ thôn, xã đối với sai phạm này.

Sau quá trình xác minh, Thanh tra huyện Ứng Hòa đã có văn bản Kết luận số 48/KL-UBND. Nội dung kết luận thanh tra khẳng định: Việc thu và sử dụng tiền thu dịch vụ thủy lợi nội đồng, tiền cấp bù miễn thủy lợi phí tại HTXNN Trần Đăng tuy có Nghị quyết của Đại hội đại biểu xã viên HTXNN Trần Đăng nhưng không đúng với các quy định hiện hành. Trong đó, số tiền thủy lợi nội đồng mà HTXNN Trần Đăng đã thu của người dân trong giai đoạn 2009 - 2013 là trên 1,24 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân, nội dung văn bản Kết luận số 48/KL-UBND là chưa thực sự thỏa đáng.

Ông Nguyễn Hữu Chiều ở thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn cho biết: Kết luận của huyện không rõ ràng; kết luận theo kiểu… vo tròn, không rạch ròi các khoản thu, chi sai của HTXNN Trần Đăng trong từng thời điểm, từng vụ canh tác là bao nhiêu nên khiến cho người dân rất khó hiểu. Một số nội dung kết luận chưa sát với thực tế những gì đã diễn ra. Ví dụ, cơ quan thanh tra huyện Ứng Hòa xác nhận trong Kết luận số 48/KL-UBND là có việc lãnh đạo xã chỉ đạo HTX thu tiền thủy lợi nội đồng của người dân với mức 9,5 - 10 kg thóc/sào/năm. Song trên thực tế, các tài liệu của người dân cung cấp cho phóng viên lại cho thấy khoản thu này thực tế người dân phải nộp là từ 17 - 18 kg thóc/sào/năm.

Một điều khác cũng khiến người dân bức xúc, đó là tuy đã có kết luận chỉ rõ sai phạm nhưng việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan lại chưa bảo đảm khách quan, chưa “đúng người, đúng tội”. Đến nay, cơ quan chức năng đã bắt tạm giam 2 đối tượng trực tiếp gây ra sai phạm là nguyên Chủ nhiệm HTXNN Trần Đăng, Trần Khắc Hải và nguyên Kế toán HTXNN Trần Đăng, Nguyễn Trọng Vinh. Theo ý kiến của nhiều người, hình thức xử lý những cá nhân sai phạm chưa đủ sức răn đe, còn có biểu hiện “nương nhẹ”. Thậm chí, một số cá nhân có trách nhiệm liên quan đến sai phạm nhưng lại được bổ nhiệm chức vụ mới theo hướng phát triển. Trường hợp rõ nhất là ông Nguyễn Đức Phương, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn (trong thời gian diễn ra sai phạm) đã được đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy xã Hoa Sơn.

Ông Nguyễn Dong, 82 tuổi ở thôn Trần Đăng cho biết: “Để sai phạm xảy ra trên địa bàn xã trong thời gian dài nhưng với cách xử lý hiện nay thì gần như cán bộ xã Hoa Sơn là vô can. Theo người dân, người đứng đầu địa phương cần phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm ở thôn Trần Đăng”.

Được biết, cuối tháng 7/2016 vừa qua, trong Công văn số 329-CV/TU, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo xử lý nghiêm túc những sai phạm trong việc thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí tại HTXNN Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa. Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu sớm thanh tra, kiểm tra mức độ vi phạm; HTX Nông nghiệp Trần Đăng làm rõ các khoản thu, chi không đúng mục đích từ nguồn cấp bù do miễn thủy lợi phí và thu thủy lợi phí nội đồng; có hình thức kỷ luật đối với những cá nhân, tập thể có sai phạm (nếu có). Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan khắc phục hậu quả do chi sai mục đích, hoàn trả tiền thủy lợi phí thu vượt quy định cho người dân để người dân tin tưởng, yên tâm sản xuất. Kết quả xử lý phải được báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 10/8/2016.

Tuy nhiên, mới đây, khi phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam liên hệ đặt lịch làm việc về các vấn đề liên quan đến sai phạm trong thu thủy lợi phí ở xã Hoa Sơn, hình thức kỷ luật đối với những cá nhân, tập thể có sai phạm thì đại diện UBND huyện Ứng Hòa - bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Chánh Văn phòng UBND huyện lại có thái độ thiếu hợp tác. Với việc né tránh, không cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí của UBND huyện Ứng Hòa, không biết đến bao giờ những sai phạm trong thu chi thủy lợi phí ở HTXNN Trần Đăng mới được xử lý dứt điểm?

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc miễn thủy lợi phí cho người sản xuất nông nghiệp là một chính sách nhân văn của Nhà nước. Việc các cá nhân, tổ chức cố tình đi ngược lại chính sách này là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Thông qua Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cán bộ, đảng viên và người dân địa phương kiến nghị tới cấp ủy, chính quyền huyện Ứng Hòa cần khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có sai phạm.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Thùy Linh-Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực