Chương Mỹ (Hà Nội): Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ làng nghề tiểu thủ công nghiệp

Thứ sáu, 09/09/2016 16:52
(ĐCSVN) - Sau khi có thông tin từ bạn đọc phản ánh về việc xuất hiện nước thải có màu bất thường, rò rỉ ra môi trường từ một cơ sở nghề ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), chúng tôi đã có chuyến thực tế về địa phương để nắm bắt tình hình.


Sản phẩm mây tre đan thành phẩm trong khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Lệ Tùng

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên xác nhận, sự cố tràn nước thải chưa qua xử lý từ một cơ sở nghề ra môi trường xung quanh là có thật. Cụ thể, vào tối ngày 31/8 đến sáng 1/9/2016, sau khi ở địa phương có trận mưa lớn, chất thải lỏng có màu lạ xuất hiện trên máng tưới tiêu 7c (chạy qua địa bàn xã Đông Phương Yên) được xác định chảy ra từ Công ty TNHH mây tre đan Lệ Tùng.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, địa phương đã cử cán bộ môi trường xuống xem xét, cùng cơ sở nghề tiến hành các biện pháp khắc phục kịp thời. Cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ cũng đã cử đoàn công tác về kiểm tra sự cố trên. Cho đến nay, hiện tượng rò rỉ chất xả thải đã được khống chế hoàn toàn, các bên liên quan đang chờ kết luận cuối cùng của đoàn kiểm tra môi trường liên ngành của UBND huyện Chương Mỹ.

Trong buổi làm việc với Công ty TNHH mây tre đan Lệ Tùng sáng 06/9/2016, ông Nguyễn Hữu Định, chủ doanh nghiệp cho biết: Đây là sự cố đáng tiếc đối với doanh nghiệp chúng tôi khi một cơn mưa lớn khiến lượng nước xung quanh úng ngập, tràn ngược vào bể chứa chất thải chờ xử lý, khiến nước thải phát tán ra môi trường. Khi phát hiện sự cố, chúng tôi đã lập tức triển khai các biện pháp cần thiết khắc phục triệt để, không để tình trạng diễn biến xấu đi…


Hệ thống xử lý nước thải khép kín trong khu vực nhà xưởng vẫn đang vận hành thời điểm PV có mặt.

Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc thứ chất thải có màu sắc bất thường thẩm thấu ra môi trường là chất gì thì bản thân ông Định trả lời “cũng không biết là chất gì”. Ông Định lý giải vì xưa nay mình chỉ làm nghề theo gia truyền, và các chất màu đó quen gọi là phẩm nhuộm, chất xử lý mối mọt…”.

Trong các biển bản kiểm tra việc chấp hành thực hiện Luật bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ vào các năm 2013, 2014 do Công ty Lệ Tùng cung cấp, trong phần “Tồn tại” nêu: Trong quá trình hoạt động sản xuất, công ty không chấp hành thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường, Luật tài nguyên nước, cụ thể như: chưa lập đề án bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; không có giấy phép khai thác nước, giấy phép xả thải chất thải vào nguồn nước; không thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định…

Về việc này, ông Định cho biết đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp đã khắc phục triệt để những tồn tại trên, hiện trong khuôn viên nhà xưởng công ty đã có hệ thống xử lý chất thải khép kín hiện đại, đồng bộ, khi nước xả thải ra môi trường đã đáp ứng được các chỉ số an toàn theo quy định. Ông Định nhấn mạnh, sự cố vừa qua là do yếu tố thời tiết khách quan, chúng tôi sẽ coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề môi trường không chỉ cho riêng công ty, mà cho cả các cơ sở, doanh nghiệp khác đang hoạt động sản xuất trên địa bàn.

Khu vực bể lắng của Công ty TNHH Lệ Tùng

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty Lệ Tùng đi vào hoạt động từ năm 2006 xuất phát từ một cơ sở mây tre đan truyền thống, với loại hình hoạt động sản xuất thu gom, gia công hàng mây tre đan xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu từ tre, giang, mây. Hiện công ty có 30 lao động hoạt động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ, sản xuất ra 100.000 tấn sản phẩm/năm.

Trong buổi làm việc sáng 06/9, chúng tôi đã vào nhà xưởng quan sát, ở công ty vẫn có khoảng trên 20 lao động đang làm việc, các sản phẩm đang được chuyển sang công đoạn nhuộm màu, với các màu vàng cánh dán, màu hồng, màu đỏ, màu nâu…Tại một bể nhúng nóng để tạo màu cho sản phẩm, khói vẫn bốc lên nghi ngút phía góc nhà xưởng. Các chất thải được dẫn vào một bể chứa tập trung, sau đó hệ thống bơm bơm lên bể xử lý rồi chảy vào một bể lắng trước khi được dẫn qua một đường cống ngầm dài khoảng 700m chạy qua cánh đồng lúa rồi đổ vào máng tưới tiêu 7c. Khi có mặt tại vị trí cửa cống xả của Công ty Lệ Tùng, chúng tôi chứng kiến vẫn có một luồng nước màu nâu pha sẫm xả ra hòa vào dòng nước của máng.


Một luồng nước nhỏ có màu bất thường vấn rò rỉ ra từ cống của Công ty Lệ Tùng thời điểm PV có mặt thực tế.

Qua quan sát tổng thể, chúng tôi nhận thấy, dòng nước trên máng có dấu hiệu ô nhiễm cả từ chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi đổ về từ phía đầu nguồn chứ không chỉ riêng từ nguồn chất thải ô nhiễm từ các làng nghề trên địa bàn.

Ông Phan Ngọc Huấn, Phó chủ tịch xã Đông Phương Yên – người cùng đi thị sát với chúng tôi trong buổi làm việc cho biết: Hiện toàn xã chúng tôi có 6 làng nghề, chủ yếu hoạt động sản xuất mây tre đan, các làng nghề hoạt động khá hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Những năm qua, địa phương đã quy hoạch khu vực hoạt động tập trung cho các làng nghề tại điểm tiểu thủ công nghiệp Đông Phú Yên, diện tích 9.9 héc-ta. Ông Huấn cho biết thêm, đến nay phát triển kinh tế chủ đạo của địa phương vẫn là sản xuất nông nghiệp, và xã Đông Phương Yên vẫn thuộc diện xã nghèo của huyện Chương Mỹ.

Một đặc thù nữa mà chúng tôi nhận thấy,  bao quanh trung tâm tiểu thủ công nghiệp có hàng chục héc-ta diện tích lúa và hoa màu đang được canh tác, lúa đang vào đà phơi màu làm hạt. Nếu chỉ một sơ xuất nhỏ về môi trường từ các làng nghề sẽ gây hệ lụy không nhỏ cho các khu vực sản xuất xung quanh, và uy hiếp trực tiếp đến việc canh tác sản xuất của người dân. Ngoài ra nó còn gây nguy hại cho nguồn nước ngầm – một nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân địa phương.

Từ các vấn đề đã trình bày trên, đề nghị cơ quan chức năng TP. Hà Nội sớm vào cuộc, xem xét cho chấn chỉnh, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương trong việc bảo vệ môi trường. Đồng thời xử lý nghiêm tình trạng gây ô nhiễm môi trường nông thôn từ các làng nghề nói chung và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ nói riêng, nhằm phát triển khinh tế - xã hội bền vững đi đôi với công tác bảo vệ môi trường tự nhiên./.

 

Nhóm PV Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực