Đi tìm sự thật về “chợ tử thần”

Thứ năm, 26/05/2016 09:30
(ĐCSVN) – Mới đây, tại buổi làm việc với Quận ủy quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã kiên quyết chỉ đạo việc di dời chợ hóa chất Kim Biên. Được mệnh danh là “chợ tử thần” giữa lòng Thành phố, nhưng với truyền thống hàng chục năm tồn tại, liệu xóa sổ chợ Kim Biên có nhận được sự đồng thuận của người dân?

Hóa chất được bày bán công khai tại chợ Kim Biên (Ảnh: dantri.vn)

Chợ Kim Biên được thành lập từ những năm 1960, tọa lạc tại khu vực Quận 5. Sau năm 1975, khu chợ này nổi tiếng với các mặt hàng hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. Trước hết, cần xác định hóa chất là một mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống, không chỉ ở ngành công nghiệp mà còn cả ở chế biến và ăn uống. Việc tồn tại chợ Kim Biên, nhìn tổng thể, sẽ là hợp lý khi trung tâm này đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu người dân Sài thành. Ngoài ra, việc nằm ở giữa giao lộ quận 5, quận 6 và quận 8 cũng là một lợi thế không thể phủ nhận đối với việc giao thương và phát triển. Tuy nhiên, sự thật đã và đang tồn tại lại nói lên những điều khác hẳn.

Hãi hùng hóa chất “giết người”

Những người dân ở phường 13, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đã không còn lạ gì với những thứ mà chợ Kim Biên mang tới với đời sống của chính họ. Khu chợ này có khoảng trên dưới 40 điểm kinh doanh hóa chất. Tất cả đều được bày bán công khai, chưa hề có một rào cản nào về pháp lý để kiểm soát. Chỉ cần nhìn nhận bằng mắt thường, chợ Kim Biên kinh doanh khoảng 60 mặt hàng các loại. Đầy đủ các loại hóa chất, thậm chí cả những loại chất đặc biệt nguy hiểm bắt buộc phải kiểm soát như acid, hóa chất công nghiệp độc hại, hoặc các chất cấm nhưng không đề nhãn mác trên bao bì.

Theo điều tra của phóng viên, những hóa chất ở đây được tới từ nhiều nguồn, cả miền Bắc lẫn các cơ sở trôi nổi khó xác định. Những chất như Ethephon, chất dùng để bảo quản thịt ôi luôn luôn tươi – được mua một cách dễ sàng. Nguy hại hơn, bạn có thể mua cả Salbutamol, một loại chất cấm bắt buộc phải có giấy phép của cơ quan chuyên trách. Salbutamol, trong năm 2015 đã được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu gần 10.000 kg. Theo báo Tuổi trẻ số ra ngày 22/03/2016, một thông tin gây choáng váng dư luận khi tiết lộ rằng, trên 6 triệu con lợn trước khi tiêu thụ đều sử dụng chất này! Hãy làm một phép tính đơn giản, theo kết quả điều tra của Cục Cảnh sát Môi trường C49, đã có hơn 6 tấn Salbutamol đã được bán ra thị trường, và chỉ có trên dưới... 10kg được sử dụng đúng mục đích.

Những loại hóa chất được mua bán dễ dàng đã và đang làm hại người dân, triệt phá giống nòi theo nghĩa đen. Cho tới trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người dân Sài Gòn có lẽ không thể biết được họ đang ăn, uống những nguồn thực phẩm độc hại và thiếu kiểm soát đến mức nào. Những nhà hàng kinh doanh lẩu không cần ninh xương làm gì cho mệt, bởi những gia vị hòa tan được bán với giá rẻ mạt. Cà phê có chất nhuộm màu từ giấy, bột rửa chén sẽ làm trắng hoa quả, gà vịt luôn vàng óng bằng các hóa chất dưới dạng thuốc viên, thịt bò ôi trở thành thơm ngon khi được trộn với NaHSO3, bún muốn trắng muốt thì dùng Acid Oxalic, còn hoa quả xanh tươi thì chơi Carbendazim. Và ai muốn ăn mỳ Quảng hay hủ tiếu thì phải chấp nhận hàn the để sợi mỳ được tươi ngon, dẻo, và bảo quản cả được tuần. Thậm chí, những loại hóa chất bị cấm sử dụng vì có thành phần chế tạo chất nổ cũng có thể mua tại đây. Đó là Kali Clorat hoặc Phốt pho.

Không thể dửng dưng với thực phẩm bẩn

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có 9 triệu người bị nhiễm viêm gan B, C và ung thư gan. Bất chấp những nỗ lực từ ngành Y tế, số người ngộ độc thực phẩm không hề giảm. Phần lớn những người “chịu trận” trước thực phẩm bẩn đều đến từ những thành phần không đủ điều kiện để kiểm định và tự bảo vệ chính mình. Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại không thể kiểm soát hết những cơ sở cơm bình dân, cơm từ thiện có dùng gạo ngâm hóa chất hay không? Hoặc với những bợm nhậu, hàng ngày họ cũng không thể biết được có uống phải men rượu độc “một vốn, mười lời” với thuốc rầy Mytox?

Tất nhiên, việc thả nổi thị trường chợ Kim Biên trong một thời gian quá dài không chỉ là lỗi của những người kinh doanh. Từ việc trộn màu thực phẩm rang cà phê, cho tới việc bán bừa bãi acid, các hàng hóa đặc thù phải có trách nhiệm từ các cơ quan chức năng khác nhau.

Rõ ràng, chợ Kim Biên nằm ở vị trí rất đắc địa, nếu quản lý tốt sẽ gắn với sự phát triển của cộng đồng nói chung. Tuy nhiên, khi điều kiện kho bãi, phòng cháy chữa cháy, hay cả các quy định cụ thể về kiểm soát hàng hóa không đủ thuyết phục dư luận, quyết định của Bí thư Đinh La Thăng sẽ tạo được đồng thuận vượt qua mọi rào cản./.

 

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực