Trình tự các cuộc bầu cử trong Đảng

Thứ năm, 23/06/2011 09:04

Ông Ngô Minh Quang, Trú tại xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa hỏi: xin báo Đảng cho tôi biết trình tự các cuộc bầu cử trong Đảng diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Về quy chế bầu cử trong Đảng, Bộ Chính trị khoá VIII đã có quy định như sau:
 

Trình tự bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên:

- Bầu đại biểu chính thức trước, bầu đại biểu dự khuyết sau. Bầu lần 1 chưa đủ số lượng đại biểu thì bầu tiếp. Nếu bầu nhiều lần vẫn không đủ số lượng, có bầu tiếp hay không do đại hội quyết định.

- Trường hợp bầu đại biểu chính thức đã đủ số lượng mà vẫn còn một số đại biểu có số phiếu được bầu bằng trên một nửa số đảng viên hoặc trên một nửa số đại biểu được triệu tập, thì đại biểu dự khuyết lấy trong số các đồng chí đó theo thứ tự số phiếu được bầu từ cao xuống thấp, nếu còn thiếu đại biểu dự khuyết theo quy định, có bầu tiếp cho đủ số lượng hoặc không bầu nữa là do đại hội quyết định.

Danh sách bầu cử lần sau có thể bổ sung đại biểu ngoài danh sách bầu cử lần 1 do đại hội quyết định.

Trình tự bầu cử cấp ủy mới:

- Cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị để đoàn chủ tịch đại hội báo cáo với đại hội về yêu cầu tiêu chuẩn, cơ cấu và số lượng các thành viên của cấp uỷ khoá mới; sau đó đại hội thảo luận biểu quyết về số lượng cấp uỷ viên (theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên về khung số lượng cấp uỷ viên ở mỗi đảng bộ).

- Phân tổ hoặc đoàn đại biểu thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu cấp uỷ và tiến hành ứng cử, đề cử cấp uỷ khoá mới.

- Khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của đa số đại biểu đại hội, đoàn chủ tịch đại hội trình ra đại hội danh sách những người được cấp uỷ cấp triệu tập đại hội lựa chọn để giới thiệu với đại hội trước khi đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử.

- Đoàn chủ tịch chỉ đạo việc tổng hợp danh sách ứng cử, xem xét việc cho rút khỏi danh sách; lập danh sách bầu cử để đại hội biểu quyết thông qua. Danh sách bầu cử cần nhiều hơn so với số lượng cần bầu.

- Đoàn chủ tịch giới thiệu danh sách ban kiểm phiếu gồm một trưởng ban và một số uỷ viên là những đại biểu không có trong danh sách bầu cử cấp uỷ khoá mới. Đại hội biểu quyết thông qua danh sách ban kiểm phiếu.

- Ban kiểm phiếu hướng dẫn cách thức bỏ phiếu; kiểm tra và niêm phong hòm phiếu trước khi tiến hành bỏ phiếu. Đại hội tiến hành bầu cử; ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử cấp uỷ khoá mới.

- Bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng cấp uỷ viên khoá mới, có bầu tiếp cho đủ số lượng hoặc không bầu nữa, do đại hội xem xét, quyết định'' (Quyết định số-77-QĐ/TW).

Phiên họp đầu tiên của cấp uỷ khoá mới bầu ban thường vụ cấp uỷ.

- Bí thư hoặc phó bí thư khoá trước được tái cử hoặc đồng chí được cấp uỷ cấp trên uỷ nhiệm (nếu bí thư và phó bí thư khoá trước không được tái cử) triệu tập hội nghị lần thứ nhất cấp uỷ khoá mới, khai mạc và chủ trì cho đến khi bầu xong đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch hội nghị.

- Bầu chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch hội nghị từ 1-3 đồng chí.

- Chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch báo cáo để hội nghị thông qua chương trình làm việc và tiến hành làm thủ tục bầu cử''.

- Ban chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số uỷ viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số uỷ viên. Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong số uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

- Số lượng uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư và uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

- Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp'' (Điều 17).

- “Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ bầu ban thường vụ; bầu bí thư và phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ; bầu uỷ ban kiểm tra; bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra.

-Số lượng uỷ viên ban thường vụ và uỷ viên uỷ ban kiểm tra do cấp uỷ quyết định theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.

- Thường trực cấp uỷ gồm bí thư, các phó bí thư'' (Điều 20).

- Đảng uỷ cơ sở có từ chín uỷ viên trở lên bầu ban thường vụ; bầu bí thư, phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ; dưới chín uỷ viên, chỉ bầu bí thư, phó bí thư” (Điều 22).

- Chi bộ có dưới chín đảng viên chính thức, bầu bí thư chi bộ; nếu cần, bầu phó bí thư. Chi bộ có chín đảng viên chính thức trở lên, bầu chi uỷ, bầu bí thư và phó bí thư chi bộ trong số chi uỷ viên. (Điều 24).

- Số lượng uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ được bầu theo quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên, nhiều nhất không quá 1/3 số lượng cấp uỷ viên do đại hội đã bầu.

- Chủ tịch hội nghị báo cáo tiêu chuẩn, cơ cấu và đề nghị số lượng uỷ viên ban thường vụ cần bầu.

- Hội nghị cấp uỷ biểu quyết số lượng uỷ viên ban thường vụ.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Khi cần thiết hoặc do hội nghị yêu cầu, chủ tịch hội nghị báo cáo danh sách những đồng chí do cấp uỷ khoá trước dự kiến giới thiệu vào ban thường vụ khoá mới.

- Họp tổ để thảo luận (nếu cần).

- Tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử, biểu quyết danh sách bầu cử ban thường vụ. Số lượng trong danh sách bầu cử ban thường vụ phải nhiều hơn số lượng bầu cử. Những đồng chí được rút khỏi danh sách bầu cử phải được đa số cấp uỷ viên đồng ý.

- Cử ban kiểm phiếu gồm một số đồng chí cấp uỷ viên không có trong danh sách bầu cử.

- Tiến hành bầu cử, kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử ban thường vụ.

- Nếu bầu ban thường vụ một lần chưa đủ số lượng quy định, có bầu tiếp hay không là do hội nghị cấp uỷ quyết định (Quyết định số 77 - QĐ/TW).

Bầu bí thư, phó bí thư cấp uỷ:

- Những đồng chí ứng cử hoặc đề cử để được bầu giữ chức bí thư, phó bí thư phải là những đồng chí đã trúng cử uỷ viên ban thường vụ.

- Số lượng phó bí thư ở mỗi cấp uỷ theo quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên.

- Hội nghị tiến hành ứng cử, đề cử bí thư, phó bí thư.

- Khi cần thiết hoặc đa số cấp uỷ viên yêu cầu, chủ tịch hội nghị báo cáo dự kiến những đồng chí được cấp uỷ khoá trước và cấp uỷ cấp trên trực tiếp giới thiệu để được bầu các chức vụ bí thư, phó bí thư.

- Đối với cấp uỷ tỉnh, thành phố và đảng uỷ trực thuộc Trung ương, trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu chức danh bí thư phó bí thư, cấp uỷ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, tổng hợp phiếu tín nhiệm, báo cáo với Bộ Chính trị trước khi tiến hành bầu cử. Sau khi Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo mới tiến hành bầu cử.

- Bầu bí thư trước, bầu phó bí thư sau.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử bí thư, phó bí thư.

- Các chức danh bí thư, phó bí thư điều hành ngay công việc của cấp uỷ khoá mới sau khi được bầu và báo cáo với cấp uỷ cấp trên xem xét, chuẩn y kết quả bầu cử” (Quyết định số 77-QĐ/TW).

 Bầu uỷ ban kiểm tra:

- Chủ tịch hội nghị báo cáo tiêu chuẩn, cơ cấu và số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra theo hướng dẫn của Trung ương và cấp uỷ cấp trên trực tiếp.

- Số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 7-9 uỷ viên; Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Nghệ An từ 7 đến 11 uỷ viên; cấp huyện, quận từ 5-7 ủy viên; các đảng uỷ khối cơ quan trung ương từ 5-9 uỷ viên; cấp cơ sở từ 3-5 uỷ viên.

- Hội nghị biểu quyết số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra.

- Chủ tịch hội nghị báo cáo danh sách những đồng chí được ban thường vụ cấp uỷ giới thiệu để bầu vào uỷ ban kiểm tra và chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra. Các thành viên uỷ ban kiểm tra gồm một số đồng chí trong cấp uỷ và một số đồng chí ngoài cấp uỷ.

Hội nghị cấp uỷ khoá mới thảo luận, ứng cử, đề cử, thông qua danh sách bầu cử.

-Bầu cử uỷ viên uỷ ban kiểm tra trước, sau đó bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra đã được bầu.

-Ban kiểm phiếu thu phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử uỷ viên uỷ ban kiểm tra và chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra.

“Uỷ ban kiểm tra bầu phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra đã được bầu” (Quyết định số 77-QD/TW).

Bầu ban chấp hành chi bộ (chi uỷ):

- Đại hội chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) trực tiếp bầu chi uỷ, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số uỷ viên; nơi không có chi uỷ chi bộ trực tiếp bầu bí thư, nếu cần thì bầu phó bí thư chi bộ. Chi bộ không bầu Uỷ ban kiểm tra, không bầu ban thường vụ. Chi bộ phân công chi uỷ viên hoặc đảng viên làm công tác kiểm tra” (Quyết định số 77-QĐ/TW).

 Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn thêm:

-Chi bộ có chín đảng viên trở lên được bầu chi uỷ. Bầu chi uỷ trước, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi uỷ viên; chi bộ có dưới chín đảng viên bầu bí thư, nếu cần bầu phó bí thư.

-Việc bầu bí thư, phó bí thư đều do chi bộ trực tiếp bầu. Bầu bí thư trước, sau đó bầu phó bí thư.

-Đối với trường hợp chi bộ bầu nhiều lần mà không có đồng chí nào đủ số phiếu trúng bí thư chi bộ, cấp uỷ cấp trên căn cứ vào tình hình cụ thể của chi bộ để chỉ định một đồng chí trong số chi uỷ viên hoặc đảng viên (nơi không có chi uỷ) làm bí thư để điều hành hoạt động của chi bộ.

- Trong phiên họp đầu tiên, cấp uỷ mới được bầu nghiên cứu công tác chuẩn bị và ý kiến giới thiệu của ban thường vụ cấp uỷ vừa mãn nhiệm về nhân sự uỷ ban kiểm tra, thảo luận tập thể, bầu uỷ ban kiểm tra theo Quy chế bầu cử.

Bầu các uỷ viên uỷ ban kiểm tra, sau đó bầu chủ nhiệm trong số các uỷ viên:

- Nếu đồng chí dự kiến giới thiệu bầu giữ chức chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra không được bầu vào cấp uỷ ban thường vụ, uỷ ban kiểm tra thì cấp uỷ mới, sau khi trao đổi với uỷ ban kiểm tra cấp trên, xem xét, quyết định bầu đồng chí khác trong ban thường vụ làm chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra hoặc tạm hoãn bầu chức danh này để chuẩn bị chu đáo hơn.

- Theo chỉ đạo của ban thường vụ cấp uỷ mới được bầu, uỷ ban kiểm tra họp bầu các phó chủ nhiệm và phân công công tác trong uỷ ban.

Ban thường vụ cấp uỷ báo cáo để ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y danh sách uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra

Về giới thiệu nhân sự bầu uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ:

Việc chuẩn bị nhân sự uỷ ban kiểm tra để giới thiệu với cấp uỷ lựa chọn bầu các thành viên trong uỷ ban kiểm tra là trách nhiệm của ban thường vụ cấp uỷ. Căn cứ vào việc chuẩn bị nhân sự của cấp uỷ và ban thường vụ cấp uỷ khoá trước, ban thường vụ cấp uỷ mới được bầu xem xét giới thiệu với cấp uỷ khoá mới những đồng chí dự kiến để được bầu vào uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ đề cử người mình tín nhiệm để được bầu vào uỷ viên uỷ ban kiểm tra (theo quy định tại Quy chế bầu cử trong Đảng).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực