Làm gì để tránh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng?

Thứ năm, 17/09/2020 10:10
(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, thông tin về những vụ lừa đảo đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Chỉ cần thiếu cảnh giác với những cuộc điện thoại từ số lạ hoặc thiếu thận trọng khi sử dụng các thiết bị di động thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế tình trạng khách hàng bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản?
Nhiều ngân hàng quan tâm, hỗ trợ  để khách hàng tránh nguy cơ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. (Ảnh minh họa. Nguồn: lienvietpostbank.com.vn). 

Nhiều thủ đoạn tinh vi...

Cùng với sự phát triển của koa học kỹ thuật, hiện nay phần lớn người dân đã quen với các hoạt động rút tiền tại ATM, chuyển khoản qua ATM, chuyển khoản qua các ứng dụng online như Mobile Banking, Internet Banking, Ví điện tử... Bên cạnh những tiện ích rõ rệt thì đây cũng là cơ hội để các tội phạm thẻ xâm nhập lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Anh Phạm Văn Đức ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, khoảng đầu tháng 7/2020, sau khi truy cập vào đường dẫn (link) của một website quyên góp từ thiện liên quan đến dịch COVID-19, tài khoản ngân hàng của anh bất ngờ bị mất gần chục triệu đồng. Sau đó, qua tìm hiểu anh Đức được biết là các đối tượng đã cài mã độc để lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Cũng may là thời điểm đó, anh Đức không để quá nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng.

Thực tế các vụ việc liên quan đến việc chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng diễn ra thời gian qua cho thấy, các đối tượng thường sử dụng những phầm mềm độc hại để truy cập vào điện thoại, máy tính để lấy thông tin. Một số phần mềm độc hại cho phép kẻ gian truy cập trực tiếp vào các tin nhắn điện thoại có chứa OTP để đánh cắp. Ngoài ra, kẻ gian có thể gửi cho chủ tài khoản một đường dẫn (link) tới một trang web hoặc giả mạo website/Fanpage của ngân hàng và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin. Nếu như truy cập vào đường link đó, chủ tài khoản đã vô tình cung cấp quyền truy cập cho kẻ gian, tạo điều kiện cho họ dễ dàng lấy cắp mã OTP từ điện thoại của chủ tài khoản và đánh cắp hết tiền trong tài khoản.

Đối với những người mới sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, một cách phổ biến khác được kẻ gian thường xuyên áp dụng là giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, công an... gọi điện thoại yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về thẻ ngân hàng, như: Số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV và tiếp theo đó có thể là mã OTP được gửi tới điện thoại. Những yêu cầu đó thường đi kèm lời hứa giúp hoàn tất một giao dịch chuyển tiền đang bị treo hoặc để cải thiện chất lượng dịch vụ ngân hàng tốt hơn. Và khi đã có được mã OTP thì kẻ gian sẽ nhanh chóng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Chủ động, cảnh giác để phòng tránh

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngân hàng điện tử, để không bị tội phạm lừa lấy tiền trong tài khoản, khách hàng phải tuyệt đối bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ các thông tin bảo mật cá nhân liên quan đến mã tài khoản, mật khẩu đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, số thẻ, ngày hết hạn thẻ, số CVV thẻ, mã OTP… cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các đường link giả mạo, email, điện thoại, tin nhắn…

Khách hàng cần thực hiện đúng các hướng dẫn giao dịch an toàn do các ngân hàng đưa ra; trong đó cần lưu ý là không tiết lộ tên đăng nhập và mật khẩu cho bất cứ ai khác; không thực hiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Chỉ đăng nhập qua các thiết bị đáng tin cậy. Đặc biệt, không nên sử dụng các thông tin cá nhân cơ bản (ngày tháng năm sinh, số điện thoại, tên...) để đặt mật khẩu. Nên đổi mật khẩu theo định kỳ tối thiểu ba tháng một lần hoặc khi bị lộ/nghi ngờ bị lộ.

Trong trường hợp nhận được tin nhắn, hoặc email lạ có gửi kèm đường link dẫn tới trang web, thì khách hàng cần cảnh giác và không truy cập vào đường link đó, bởi điều này có thể tạo cơ hội để kẻ gian thâm nhập được các thông tin trong thiết bị di động của khách hàng.

Nếu phát hiện ra có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, nghi ngờ bị các đối tượng tấn công tài khoản, để đảm bảo an toàn, người dùng nên khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến. Đồng thời, báo cho cơ quan công an/cơ quan chức năng nơi gần nhất để xử lý kịp thời.

Có thể nói, chỉ cần một chút chủ quan khi sử dụng các thiết bị di động thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng. Do đó, để bảo vệ tài sản của bản thân, vấn đề quan trọng hàng đầu là mỗi người cần đề cao cảnh giác trong thực hiện các thao tác liên quan đến tài khoản cá nhân; coi trọng tính bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản. Đây chính là cách tốt nhất giúp chúng ta giảm thiểu các nguy cơ bị tấn công và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực