“Quên” hóa đơn khi vận chuyển hàng hóa có bị coi là nhập lậu?

Thứ tư, 15/03/2017 15:35
(ĐCSVN) – Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa đang trên đường vận chuyển. Ngay sau đó, doanh nghiệp đã trình đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nhưng lô hàng đó vẫn bị cơ quan chức năng coi là hàng nhập lậu.

 

Đại diện Công ty Đại Đoàn Gia và cán bộ Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình kiểm tra lô hàng điện thoại bị tạm giữ.
Ảnh: BA


Vào 8h30 tối 19/12/2016, lô hàng gồm 90 chiếc điện thoại do Công ty TNHH Đại Đoàn Gia (Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội), nhập lại của một công ty khác được gửi xe khách vào Nghệ An cho khách hàng. Khi xe đến Ninh Bình thì bị Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình kiểm tra lô hàng trên. Tại thời điểm kiểm tra, nhà xe không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc của lô hàng nên bị tạm giữ để xử lý. 

Nhận được thông tin nhân viên của mình “quên” đóng hóa đơn vào lô hàng, ngay sáng hôm sau (20/12/2016), lãnh đạo Công ty Đại Đoàn Gia đã mang hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của những chiếc điện thoại trên đến Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình nộp, nhưng không rõ vì lí do gì, đến chiều 20/12/2016, Chi cục Quản lý thị trường mới làm việc với lãnh đạo Công ty và tiếp nhận các giấy tờ này. Căn cứ vào các hóa đơn chứng từ, Chi cục Quản lý thị trường xác nhận 90 chiếc điện thoại trên là thuộc sở hữu của Công ty Đại Đoàn Gia. Nhưng sau đó, cơ quan này vẫn coi lô hàng của Công ty là hàng nhập lậu nên ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng và tịch thu toàn bộ lô hàng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình giải thích, cơ quan này chỉ xét tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan thì lô hàng bị coi là hàng nhập lậu theo Thông tư liên tịch số 64/2015 và xử lý theo quy định vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Còn việc, doanh nghiệp mang các giấy tờ đến chứng minh mua hàng của đơn vị nhập khẩu trong nước, đơn vị nhập khẩu này cũng đưa ra nguồn gốc hàng được nhập khẩu hợp pháp, kèm theo các hóa đơn chứng từ, phiếu xuất kho… sẽ không được xem xét đến, bởi “nếu cứ chạy theo doanh nghiệp như vậy, bên quản lý thị trường không đủ lực lượng, mà phải phối, kết hợp với các cơ quan khác”.

Một trường hợp “quên” hóa đơn tương tự khác: Ngày 22/12/2016, một chủ đại lý nước giải khát tại phường 1, quận 6, TP. Hồ Chí Minh gửi xe khách 10 thùng hàng nước ép trái cây có nguồn gốc từ Úc về thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho khách hàng đặt mua. Khi lô hàng đến Cai Lậy (Tiền Giang) thì bị Công an huyện yêu cầu dừng lại kiểm tra (lúc 7 giờ sáng 22-12-2016). Vì không xuất trình ngay được hóa đơn nên lô hàng bị giữ lại. 11 giờ 30 cùng ngày, chủ hàng đến xuất trình hóa đơn của công ty cùng giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm chứng minh nguồn gốc hàng và tính hợp pháp của lô hàng. Công an giữ lại bản sao các giấy tờ này, sau đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 800.000 đồng. 

Chủ hàng vội đi nộp phạt nhưng khi quay về cơ quan Công an thì được cơ quan này cho biết, toàn bộ lô hàng đã bị quyết định tịch thu. Theo giải thích của Công an, ngay tại thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa nên bị xử phạt như hàng lậu, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật.


Luật sư Mai Thị Nha Trang (Văn phòng Luật sư Nguyễn Cường và cộng sự). Ảnh: BA.

Trao đổi với phóng viên về những sự việc trên, luật sư Mai Thị Nha Trang (Văn phòng Luật sư Nguyễn Cường và cộng sự) cho biết: Khoản 1, Điều 3 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, có hiệu lực từ 08/5/2016, quy định: Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển thì cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này ngay tại thời điểm kiểm tra. Thông tư này cũng không có quy định nào thể hiện doanh nghiệp được bổ sung hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, 

Do đó, việc cơ quan chức năng căn cứ vào Khoản 1, Điều 3 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP để xử lý  lô hàng điện thoại và nước ép trái cây nêu trên như xử lý hàng hóa nhập lậu là không sai. Tuy nhiên, cách xử lý này có phần chưa thuyết phục và cứng nhắc bởi hàng lậu và hàng hóa nhập khẩu hợp pháp nhưng “quên” giấy tờ là hai trường hợp khác biệt về bản chất.  

Hàng nhập lậu sẽ bị xử lý nặng hơn và có thể tịch thu hàng hóa, còn hàng nhập khẩu hợp pháp, nhưng “quên” mang theo hóa đơn chứng từ, ngay sau đó, đã trình đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp thì có thể xử phạt hành chính về việc hàng hóa chưa đảm bảo điều kiện lưu thông ra thị trường, chứ không nhất thiết phải xử lý như với hàng lậu. 

"Nếu biết quên hóa đơn sẽ bị xử phạt hành chính và tịch thu hàng như xử lý hàng lậu  thì chủ hàng chắc chắn sẽ chấp nhận "bỏ của chạy lấy người" để không bị xử phạt hành chính. Khi đó, lô hàng có thực sự được cơ quan chức năng tiêu hủy? Đây có thể là kẽ hở dẫn đến trục lợi với lô hàng bị bỏ lại", luật sư Trang đặt vấn đề. Liên quan đến ý kiến này, một số doanh nghiệp khi trao đổi với phóng viên cũng cho biết, thực tế họ đã từng được đội quản lý thị trường gợi ý "bỏ hàng là tốt nhất".

Tuy nhiên luật sư Trang cũng cho rằng, nếu cứ quên hóa đơn lại được bổ sung thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp cố tình "quên" để nếu lọt thì sẽ trốn được thuế, về phía cơ quan chức năng sẽ rất khó khăn trong việc chạy theo xác minh xử lý.

Từ những phân tích trên, luật sư Mai Thị Nha Trang khẳng định, quy định phải xuất trình ngay hóa đơn tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra đối với hàng nhập khẩu đang trên đường vận chuyển tại Thông tư liên tịch số 64/2015 là một nguyên tắc bắt buộc đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Tuy có cứng nhắc nhưng sẽ giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong xử lý, đồng thời phòng ngừa được trường hợp doanh nghiệp có ý không xuất hóa đơn hoặc quay vòng hóa đơn vì mục đích trốn thuế./.

Bùi An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực