Cần thận trọng khi đăng tải thông tin, hình ảnh của trẻ em lên mạng xã hội

Thứ bảy, 10/06/2017 01:47
(ĐCSVN) - Theo quy định tại Luật Trẻ em được Quốc hội khoá XIII thông qua năm 2016, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, cha mẹ đăng tải hình ảnh cá nhân, bảng điểm học tập... của con trẻ lên mạng xã hội có thể sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Bảng điểm của một em học sinh được đưa lên mạng xã hội. Ảnh: QĐ

Từ ngày 1/7/2017, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em cũng sẽ có hiệu lực. Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mỗi quan hệ bạn bè của trẻ em… Cụ thể, đối với trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ; trong trường hợp trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ trước khi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. Ngoài ra, nếu cha mẹ nêu rõ các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em… cũng sẽ bị phạt.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của mạng xã hội thì việc đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ em nhiều khi đã trở thành trào lưu nhằm thoả mãn cái tôi của người lớn. Có nhiều lý do để các phụ huynh đăng tải hình ảnh, thông tin của con mình: Lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp; chia sẻ hình ảnh của các bé với người thân... và thậm chí là “khoe” hình ảnh con trẻ với cộng đồng mạng. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Lan Phương ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình (Hà Nội) việc chia sẻ hình ảnh của các bé trong một chừng mực nào đó vẫn có thể chấp nhận được: “Bạn bè tôi cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh của các con. Tôi nghĩ, nếu những hình ảnh được lựa chọn, cân nhắc kỹ và không quá riêng tư thì việc chia sẻ cũng là bình thường”. Chị Phương cũng không đồng tình với quan điểm đăng tải những thông tin cá nhân như bảng điểm hoặc hình ảnh các bé đang “khỏa thân”.

Thực tế cho thấy, dù với lý do gì thì việc đăng tải hình ảnh, thông tin của trẻ em trước hết cũng phục vụ mục đích của người đăng tải, chủ yếu là của các phụ huynh. Những tác động tích cực đến “nhân vật chính” thường khó nhận thấy. Mặt khác, với quy định mới trong Luật Trẻ em và tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP, những việc làm nói trên rất có thể sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Do đó, các bậc phụ huynh cũng cần cân nhắc trước khi quyết định đăng tải thông tin, hình ảnh của con trẻ trên mạng xã hội.

Luật sư Nguyễn An Bình, Công ty Luật Hồng Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: QĐ

Những ngày gần đây, khi năm học kết thúc, nhiều hình ảnh liên quan đến kết quả học tập, bảng điểm của em học sinh được đưa lên mạng xã hội. Có thể với nhiều phụ huynh, đây là cách họ động viên con trẻ sau một năm học vất vả; cách chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm nuôi dạy con... Nhưng việc làm này cũng có nhiều tác động đến tâm tư, suy nghĩ của trẻ em. Với những bảng điểm “đẹp”, trẻ dễ này sinh tâm lý tự cao tự đại do nhận được nhiều lời khen. Ngược lại, với những trẻ thành tích học tập còn hạn chế thì cũng dễ có tâm lý xấu hổ vì thua kém bạn bè. Vô hình chung, sẽ triệt tiêu ý chí cố gắng vươn lên trong học tập của các bé. Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Đã có học sinh đến gặp tôi và tâm sự không muốn ở nhà vì bố mẹ thường so sánh em với những bạn có có bảng điểm cao được đưa lên facebook. Sau khi tôi trao đổi, phụ huynh mới nhận thấy sự nguy hại của những việc tưởng chừng như rất bình thường”. Rõ ràng, việc chia sẻ những thông tin như bảng điểm, thành tích học tập đều sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra áp lực tâm lý đối với các bé.

Bên cạnh đó, phía sau việc người lớn chia sẻ hình ảnh, thông tin của trẻ em cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trẻ em có thể bị lợi dụng, xâm hại. Những thông tin cơ bản như họ tên, trường, lớp, địa chỉ nhà... hoàn toàn có thể bị kẻ xấu khai thác, lợi dụng để gây hại cho các bé hoặc sử dụng vào mục đích xấu. Thực tế đã ghi nhận những vụ việc kẻ xấu lợi dụng thông tin cha mẹ đưa lên mạng xã hội để bắt cóc trẻ, tống tiền hoặc sát hại các bé. Trẻ em thường rất nhạy cảm, suy nghĩ chưa đầy đủ, chưa chín chắn, hay xấu hổ và dễ bị tổn thương. Do vậy, theo các chuyên gia, trước khi đăng tải bất cứ hình ảnh nào liên quan đến đời tư của con trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần cân nhắc liệu việc làm này có thực sự tốt cho các bé.

Liên quan đến việc có thể bị xử phạt khi đăng tải các hình ảnh, thông tin của trẻ em, Luật sư Nguyễn An Bình, Công ty Luật Hồng Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Hiện nay đang có một số người nhầm lẫn việc đăng bất cứ hình ảnh nào của con trẻ cũng là vi phạm pháp luật. Hiểu như thế là chưa đúng tinh thần của luật mới. Tuy chưa có văn bản hướng dẫn về những trường hợp cụ thể nhưng dưới góc độ pháp lý thì tôi cho rằng, việc đăng tải các hình ảnh bị nghiêm cấm chỉ là những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn những hình ảnh mang tính chỉ trích, bôi nhọ, bêu riếu, xúc phạm có thể làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của trẻ, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của trẻ trong tương lai”.

Việc đăng tải thông tin, hình ảnh của trẻ em lên mạng xã hội có thể sẽ bị xử phạt là căn cứ theo quy định tại Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em. Cụ thể:
Luật Trẻ em 2016:
Điều 21 - Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Điều 100. Bảovệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em
1. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm sau đây:
a) Trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại;
b) Chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;
c) Bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, thông báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trong và ngoài gia đình.
Nghị định 56/2017/NĐ-CP:
Điều 36. Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. 

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực