Đề xuất cho bị can nộp tiền để được tại ngoại: Tiền có là yếu tố tiên quyết?

Chủ nhật, 30/07/2017 22:07
(ĐCSVN) - Thông tư hướng dẫn về việc một số trường hợp bị can, bị cáo được nộp tiền đảm bảo để không bị tạm giam đang được dư luận quan tâm. Vậy, tiền có là yếu tố tiên quyết để được tại ngoại?
 Một số trường hợp bị can có thể đặt tiền đảm bảo để được tại ngoại
theo Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Ảnh minh họa: plo.vn

Liên bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao vừa hoàn thành dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Dự thảo Thông tư mới này dự kiến sẽ thay thế Thông tư liên tịch số 17/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 14/11/2013 hướng dẫn về việc đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Theo dự thảo Thông tư mới, căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân của họ đặt tiền để bảo đảm. Với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt 200 triệu đồng. Khi đặt tiền, bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu thực hiện không đúng, bị can, bị cáo sẽ bị tạm giam trở lại và số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước. Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Thành - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, quy định trên là một tiến bộ thể hiện tính nhân văn của pháp luật, nhiều nước đã thực hiện. Vì với bị can, bị cáo, khi được tại ngoại sức khỏe, tâm lý sẽ ổn định hơn, có thể vẫn lao động, sản xuất kinh doanh được. Với gia đình bị can, bị cáo, họ sẽ yên tâm hơn.

“Thực tế cho thấy không ít trường hợp bị điều tra, tạm giam kéo dài, nhưng khi tòa án xử lại không có tội. Khi đó, người bị tạm giam đã mất cơ hội làm ăn, thậm chí có trường hợp chủ doanh nghiệp bị tạm giam đã dẫn đến doanh nghiệp bị đình trệ, phá sản. Như vậy hệ lụy là rất lớn”, luật sư Thành nói.  

Còn theo luật sư Lưu Thị Thanh Huế - Đoàn luật sư TP.Hà Nội, quy định về nộp tiền đảm bảo để được tại ngoại không phải là mới ở nước ta, nhưng nếu được áp dụng, nó sẽ là một tiến bộ trong thực thi pháp luật, thể hiện sự tôn trọng tối đa quyền con người.

Điều 93 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã quy định về đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Quy định này được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 14/11/2013. Đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định về việc đặt tiền để bảo đảm. Điều này cho thấy quyền con người đang được đề cao.

Về lo ngại cứ có tiền nộp là được tại ngoại, luật sư Huế cho rằng, đó là cách nghĩ chưa đúng, chưa đầy đủ, vì không phải tất cả các trường hợp đều được cho nộp tiền bảo đảm. Theo dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư số 17 cũng như quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xem xét tính chất hành vi và bản chất của nghi phạm, nhân thân của nghi phạm; hoàn cảnh phạm tội…, từ đó mới đưa ra quyết định cho hay không cho nộp tiền để được tại ngoại. Hơn nữa, tại Khoản 2 Điều 3 dự thảo Thông tư mới này cũng nêu rõ các trường hợp không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, gồm: bị can bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, trường hơp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã, những nhóm tội liên quan đến quản lý kinh tế, tham ô... Như vậy, tiền chỉ là một trong những điều kiện để được xem xét tại ngoại. Tất nhiên người giàu sẽ thuận lợi hơn người nghèo khi được cơ quan bảo vệ pháp luật đồng ý cho nộp tiền bảo đảm.

Tuy nhiên, luật sư cũng lưu ý về điều kiện: Bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Luật sư cho rằng, cam đoan này rất thiếu căn cứ để xác định đối tượng có nghiêm túc thực hiện hay không, nếu chỉ dựa vào cam đoan của bị can. Nếu đối tượng không thực hiện thì sẽ dễ dẫn đến rủi ro như bị can, bị cáo bỏ trốn, lúc đó số tiền dăm chục triệu đồng mà bị can đặt sẽ không đáng so với việc cơ quan chức năng phải mất nhiều công sức, tiền bạc để tổ chức bắt trở lại tạm giam cũng như những hệ lụy khác do bị can bỏ trốn gây ra…  

Vì thế, nhận định của cơ quan bảo vệ pháp luật về tính chất nghiêm trọng của bị can để đi đến quyết định có hay không cho phép bị can nộp tiền để được tại ngoại là rất quan trọng. Dự thảo Thông tư mới quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần quy định cụ thể hơn về những trường hợp được xem xét cho nộp tiền bảo đảm, cụ thể về số tiền phải nộp, phương thức quản lí tiền, tài sản đó... nhằm phòng tránh trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật lợi dụng để làm khó dễ với bị can, bị cáo nếu muốn được đặt tiền bảo đảm./

Bùi An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực