Hành vi nói xấu trên facebook xử lý như thế nào?

Thứ năm, 20/04/2017 18:18
(ĐCSVN) – Với sự phát triển của thông tin truyền thông ngày càng nhanh chóng thì facebook nói riêng, hay các trang mạng xã hội nói chung đã không còn đơn thuần là không gian riêng tư của mỗi người. Bên cạnh những mặt tích cực, facebook hiện đã và đang trở thành "công cụ" đắc lực để một số người lợi dụng nhằm xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ uy tín của người khác...

 

Nói xấu, bôi nhọ danh dự tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội Facebook là hành vi vi phạm pháp luật.

 (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Mới đây, Chuyên mục Luật sư của bạn, Ban Bạn đọc – Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có nhận được đơn đề nghị tư vấn pháp lý của một bạn đọc ở Quận Ba Đình (Hà Nội) về việc bản thân bị một tài khoản facebook đăng tin nói xấu, bôi nhọ, dựng chuyện xuyên tạc làm ảnh hưởng đến danh dự cũng như công việc.

Thực tế hiện nay, việc lợi dung  facebook để nói xấu, bôi nhọ, thông tin thất thiệt, sai sự thật đang dần trở thành nỗi bức xúc chung của nhiều người, thu hút sự quan tâm của dư luận. Các cơ quan quản lý cũng đang "đau đầu" trong việc tìm ra giải pháp ngăn chặn, xử lý.

Vậy dưới góc độ pháp lý, hình thức xử lý các hành vi trên như thế nào? Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích:

Theo Hiến pháp 2013, tại khoản 1 Điều 20 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng khẳng định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là quyền nhân thân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Với sự phát triển của thông tin, truyền thông ngày càng nhanh chóng thì facebook nói riêng hay các trang mạng xã hội nói chung đã không còn đơn thuần là không gian riêng tư của mỗi người. Chúng có thể trở thành công cụ để một số đối tượng lợi dụng xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu người khác hay gièm pha, làm mất uy tín của cá nhân, doanh nghiệp, hay đối thủ cạnh tranh… 

Phải khẳng định, mọi hành vi “nói xấu” người khác trên trang mạng xã hội mà những thông tin này là bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác là vi phạm pháp luật và chúng ta có các chế tài để xử lý đối với người có hành vi nêu trên. 

Luật sư Lê Lưu Phú. (Ảnh: QC)

Theo đểm d, khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý như sau: 

Về xử lý hành chính: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đống đến 10.000.000 đồng.

Về xử lý hình sự: Theo quy định của pháp luật về tội vu khống được quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. “Điều 122. Tội vu khống”:

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với nhiều người;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người thi hành công vụ;

e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Trong đó, hành vi bịa đặt được hiểu là việc tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có thật đối với người khác để bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Còn hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt là trường hợp tuy người phạm tội không bịa đặt, nhưng lại loan truyền những thông tin mà mình biết rõ thông tin đó là do bịa đặt, không đúng sự thật. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sao chép làm nhiều bản gửi đi cho nhiều người qua message (tin nhắn), kể lại cho người khác nghe, đăng status (trạng thái), comment (lời bình) trên facebook...

Về quyền nhân thân được bảo vệ theo Bộ luật Dân sự: Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình. Ngoài ra, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phảm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thương thiệt hại.

Việc sử dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác hiện nay đã đến mức báo động. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít trường hợp người vi phạm bị xử lý nên tình trạng vi phạm ngày càng phổ biến, không có điểm dừng vì không phải trường hợp nào, người bị nói xấu, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm cũng đều lên tiếng phản đối và người bị nói xấu, bị xúc phạm danh dự nhân phẩm cũng chưa nắm được các quy định pháp luật để bảo vệ cho bản thân. Điều này đặt ra yêu cầu không chỉ đối với cơ quan nhà nước mà bản thân mỗi người cũng cần ý thức và có trách nhiệm đối với mỗi hành vi, lời nói của mình; lên tiếng phản biện, ngăn chặn đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội./.

Trong phiên chất vấn tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/4, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, hành vi vu khống, bôi nhọ xúc phạm danh dự của các cá nhân và tổ chức trên mạng xã hội đang diễn ra rất nóng. 

Về giải pháp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm. Tính từ đầu năm 2017 tới ngày 12/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm.

 

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực