Lại tái diễn việc đốt pháo trong đám cưới

Thứ tư, 04/03/2020 16:02
(ĐCSVN) - Đó là nhận định của chuyên gia pháp lý khi đề cập đến sự việc một đám cưới trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã đốt số lượng khá lớn pháo nổ.
leftcenterrightdel
Hình ảnh đốt pháo nổ tại đám cưới ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh cắt từ clip 

Cụ thể, ngày 03/3, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã xảy ra vụ đốt pháo tại đám cưới. Theo clip được chia sẻ tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội, trong một đám cưới tại xã Phù Lỗ đã sử dụng nhiều pháo để đốt lúc đón dâu. Pháo được kéo dài từ đầu cổng của đám cưới vào trong tận sân nơi diễn ra tiệc cưới cùng tiếng nổ từ pháo phát ra rất lớn từ đám cưới đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân. Hình ảnh từ clip cho thấy, một người đàn ông rải cuộn pháo tép thành 3 - 4 dãy trước cửa nhà. Ngoài ra, gia đình còn treo dây pháo dọc 2 bên lối đi vào nhà dài khoảng 50m để đốt mừng đám cưới. Những dàn pháo này được dải ngay sát đường quốc lộ. Khi đốt, khói từ pháo bốc lên trắng xóa; xác pháo trải đỏ trên khắp mặt đường. Nhiều người dân và người nhà của gia đình đứng xung quanh xem đã quay video.

Thông tin, hình ảnh về vụ việc đã khiến dư luận xôn xao vì theo quy định của pháp luật, hành vi tự ý đốt pháo đã bị cấm từ cách đây hơn 10 năm. Sau khi xem đoạn clip trên, nhiều người tỏ thái độ rất bức xúc và cho rằng, việc tổ chức đám cưới là chuyện vui nhưng không vì thế mà vi phạm quy định pháp luật. Anh Trần Văn Thắng ở quận Hà Đông chia sẻ: “Cấm đốt pháo là quy định cần thiết để hạn chế những tai nạn đáng tiếc do thuốc pháo gây ra. Việc một vài cá nhân lợi dụng đám cưới để tổ chức đốt pháo với số lượng lớn như vậy là hành vi thể hiện thái độ coi thường các quy định của pháp luật do đó cần có biện pháp xử lý kiên quyết để là bài học cho những người khác”.

Đồng tình với quan điểm nói trên, bạn đọc Lê Tuấn Anh ở quận Cầu Giấy cho rằng: “Đám cưới là việc trọng đại của mỗi người, mỗi gia đình nhưng không thể vì thế mà ngang nhiên vi phạm các quy định của pháp luật như trường hợp nói trên. Nếu không xử lý nghiêm khắc, rất có thể đây sẽ trở thành tiền lệ xấu với những hệ lụy tiêu cực”.

Được biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ phía người dân, Công an huyện Sóc Sơn đã cử cán bộ xuống hiện trường thu thập thông tin, tổ chức xác minh hành vi đốt pháo trái quy định nói trên. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được làm rõ và sẽ xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp cận từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Việc tự ý đốt pháo nổ là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 4 Nghị định 36/2009/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo nêu rõ:

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

2. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.

3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.

4. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.

Về việc xử lý đối với hành vi này, Luật sư Nguyễn An Bình cho rằng tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc xử lý hành chính được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4 - Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”.

Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng

e) Tái phạm nguy hiểm.

“Việc tự ý đốt pháo tại đám cưới là hành vi vi phạm pháp luật cần lên án và xử lý nghiêm khắc. Để ngăn chặn những trường hợp tương tự, bên cạnh việc xử lý của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo nổ các loại”, Luật sư Nguyễn An Bình chia sẻ thêm./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực