Luật sư lên tiếng về hành vi gây thương tích, làm nhục người khác

Thứ hai, 11/09/2017 21:46
(ĐCSVN) - Vụ đánh ghen tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đang gây xôn xao dư luận. Theo luật sư, những người đánh ghen có thể đã bị rủ rê tham gia. Khi đánh ghen thì hả hê, nhưng hậu quả pháp luật có thể là nghiêm trọng.

Hình ảnh về vụ đánh ghen tại thôn Trại Cúp, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đang gây xôn xao dư luận
 (Ảnh: Giadinhvietnam.vn)

Theo thông tin đăng tải trên nhiều cơ quan báo chí, sáng 3/9, chị Đường (vợ anh N), bà Liên (mẹ anh N) và một số người thân tới phòng trọ nơi chị K ở thì bắt gặp anh N đang ở trong phòng cùng chị K. Chị Đường cùng người thân đã đánh, khống chế, cắt tóc, xé toang quần áo mặc trên người chị K làm lộ các phần nhạy cảm về thân thể. Sự việc xảy ra ngay trước cổng khu nhà trọ  có đông người qua lại tại thôn Trại Cúp, xã Bá Hiến.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Minh Cường- Văn phòng Luật sư Nguyễn Cường và cộng sự cho rằng, hành vi của nhóm người đánh ghen có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi, Điều 20, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Cụ thể, hành vi cắt tóc, lột quần áo chị K do nhóm người đánh ghen thực hiện tại nơi công cộng, nhiều người qua lại nên đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của chị K. Vì vậy cơ quan bảo vệ pháp luật có thể điều tra, khởi tố tội “Làm nhục người khác” (Điều 121 Bộ luật Hình sự).

Trường hợp hành vi của nhóm người đánh ghen gây tổn hại sức khỏe cho chị K từ 11% trở lên theo kết quả giám định pháp y, cơ quan có thể khởi tố tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Nếu kết quả giám định tỷ lệ thương tích dưới 11% nhưng cơ quan xác định hành vi của nhóm người đánh ghen có các tình tiết thể hiện tính chất côn đồ thì vẫn có thể xử lý theo khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Ngoài những dấu hiệu vi phạm pháp luật trên, luật sư cho rằng, hành vi đánh ghen thực hiện ngay tại cổng khu nhà trọ, nơi có nhiều người qua lại, gây bức xúc trong dư luận. Vì thế nhóm người đánh ghen có thể bị xem xét xử lý hành chính về “Vi phạm quy định về trật tự công cộng”, quy định tại Nghị định 167/2013 của Chính phủ.

“Để có căn cứ xử lý hình sự nhóm người đánh ghen về tội “Làm nhục người khác” hoặc “Cố ý gây thương tích”, chị K phải có đơn yêu cầu xử lý gửi cơ quan công an và cần sớm được giám định sức khỏe. Trường hợp không có đơn của chị K, cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính về hành vi “Vi phạm quy định về trật tự công cộng”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Về chuyện "quan hệ ngoài luồng" của chị K với chồng của người khác, luật sư cho biết, hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm pháp luật về Hôn nhân gia đình, khi có đầy đủ các dấu hiệu của việc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ, bao gồm: Có việc chung sống thực tế, công khai, coi nhau như vợ chồng, có con chung hoặc tài sản chung.

Từ sự việc trên, luật sư Cường cảnh báo: Những người đánh ghen có thể do nhận thức pháp luật hạn chế nên đã bị rủ rê. Khi đánh ghen thì hả hê, nhưng hậu quả pháp luật là nghiêm trọng. Bởi, với tội  “Làm nhục người khác” hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, cao nhất 3 năm tù giam;  tội “Cố ý gây thương tích”, nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, nặng nhất là tù chung thân. Ở góc độ xã hội, cả người đánh ghen, người bị đánh ghen đều bị mất thiện cảm trong mắt nhiều người./.

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực