Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng bị xử lý thế nào?

Thứ sáu, 05/01/2018 09:06
(ĐCSVN) - Cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam chủ kho phế liệu ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong về hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Vậy nhìn từ góc độ pháp lý, tội danh trên được quy định như thế nào?
Cảnh đổ nát sau khi xảy ra vụ nổ kho chứa phế liệu ở Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Đoàn

Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích:

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015.

“Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm”.

Hậu quả của hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nhưng việc xác định hậu quả là cần thiết và tùy theo hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị truy tố theo khoản 2;3;4 của Điều 304.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 20% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.”

Luật sư Lê Ngọc Hoàng. Ảnh: KC

Đây là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. (Vũ khí quân dụng bao gồm súng ngắn, súng trường.. các loại đạn, bom, mìn..)

Người phạm tội thực hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình là trái phép nhưng vẫn thực hiện.

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Trong trường hợp mua, bán vật liệu có lẫn vật liệu nổ như đạn bom mìn khi phát hiện ra phải kịp thời báo cho cơ quan chức năng để tiến hành xử lý. Nếu người buôn bán phát hiện ra mà không thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý mà cố ý giữ lại nhằm mục đích tháo dỡ lấy thuốc lấy kim loại nếu không có tình tiết nào quy định ở khoản 2;3;4 ở Điều 304 thì sẽ bị truy tố theo khoản 1 Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực