Tour du lịch "0 đồng" dưới góc độ pháp lý

Thứ ba, 16/10/2018 17:20
(ĐCSVN) - Gần đây, ở nước ta xuất hiện “tour du lịch 0 đồng”, nói là 0 đồng nhưng thực chất các công ty lữ hành nước ngoài đã kiếm siêu lợi nhuận từ các dịch vụ trong hành trình của tour…

Mô hình này đã và đang làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam, gây thất thu cho du lịch nước nhà và để lại nhiều hệ lụy, thậm chí có dấu hiệu “tour 0 đồng” thực chất là lừa đảo!

Để có thêm những góc nhìn khách quan về vấn đề này dưới góc độ pháp lý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải, Công ty luật TNHH Việt Tâm (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải, Công ty luật TNHH Việt Tâm. (Ảnh: Kim Chiến)

Phóng viên (PV): Thưa luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải, xét dưới góc độ pháp lí, tour du lịch 0 đồng có vi phạm điều khoản gì trong Luật du lịch và các luật, thông tư, nghị định khác liên quan tại Việt Nam?

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải: Luật du lịch và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể về giá tour, giá tour là do các doanh nghiệp tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là không vi phạm về giá đã được niêm yết hoặc đã được đăng ký.

- Về giá tour và mô tả hành trình tour: Nếu công ty lữ hành niêm yết giá tour là 0 đồng ngay từ ban đầu khi chào tour tới khách du lịch, đồng thời cũng miêu tả rõ ràng chi tiết các hạng mục trong toàn bộ hành trình tour như các điểm tham quan, các địa điểm sẽ đưa du khách tới mua sắm, nhà hàng sẽ dùng bữa theo từng ngày, khách sạn sẽ lưu trú theo từng điểm đến... và trong quá trình thực hiện tour, công ty lữ hành tuân thủ đúng và đầy đủ các hạng mục đã cam kết trong hành trình tour, không có hành vi gian dối hay vi phạm gì đối với khách du lịch, thì cũng không vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp, Luật du lịch cũng như Luật cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu công ty du lịch có thực hiện bất kỳ sai lệch nào so với hành trình tour đã chào giá tới khách du lịch, thì công ty lữ hành sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

- Về quá trình thực hiện tour 0 đồng: Trên thực tế, các tour 0 đồng là các tour phục vụ khách du lịch có nhu cầu mua sắm là chủ yếu. Và các doanh nghiệp lữ hành sẽ nhận được phần trăm hoa hồng từ các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua sắm mà khách du lịch đến thăm theo hành trình tour và thực hiện việc mua sắm. Vì thế, việc doanh nghiệp lữ hành có được lợi hay không, phần lớn phụ thuộc vào mức độ chi tiêu và mua sắm của khách du lịch. Như vậy, nếu doanh nghiệp lữ hành không o ép khách du lịch thực hiện việc mua sắm, thì công ty lữ hành không vi phạm luật và đạo  đức kinh doanh. Việc quyết định có mua sắm các mặt hàng lưu niệm hay không là hoàn toàn do khách du lịch tự quyết định. Nếu công ty lữ hành bắt khách phải mua hàng lưu niệm nằm ngoài ý muốn của họ thì lúc đó mới có cơ sở để xử lý hành vi của các công ty lữ hành này.

PV: Liệu đây có phải là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh?

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải: "Tour 0 đồng" là một loại hình tour mà các công ty lữ hành khai thác, hướng tới khách du lịch thích tour giá siêu rẻ và phần lớn phục vụ nhu cầu mua sắm. Khi so sánh các loại hình tour du lịch giữa các công ty lữ hành khác nhau, phát hiện với cùng hành trình tour và chất lượng dịch vụ đi kèm (ăn, nghỉ, đi lại) tương tự hoặc giống hoàn toàn, mà phần lớn các công ty lữ hành có giá tương đồng nhau, nhưng có một hoặc một số công ty lữ hành lại niêm yết "giá 0 đồng" để lôi kéo khách ham rẻ, nhưng về bản chất các công ty lữ hành đó vẫn thu siêu lợi nhuận bù lại cho cái giá "0 đồng" từ các dịch vụ trong hành trình tour, thì hình thức tổ chức tour 0 đồng đó bị coi là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh như quy định tại Khoản 4, Điều 3, Luật cạnh tranh 2004.

“4. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.”

PV: Sự sắp đặt, o ép khách hàng vào một số dịch vụ đã định sẵn rồi thu giá "chặt chém" có vi phạm luật?

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải: Trên thực tế, các công ty lữ hành nếu có hành vi sắp đặt, o ép, chèo kéo khách du lịch mua hoặc sử dụng một số dịch vụ đã định sẵn rồi thu giá "chặt chém" sẽ không những vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh du lịch quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong  lĩnh vực thể thao, văn hóa, du lịch mà còn vi phạm quy định của Chính phủ về việc niêm yết giá tại Nghị định 109/2013.

PV: Để siết chặt lỗ hổng này, luật sư kiến nghị cơ quan chức năng phải có chế tài ngăn chặn, khắc phục thế nào?

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải: Để siết chặt lỗ hổng này trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhà nước cần đưa ra nhiều chế tài mạnh mẽ hơn và áp dụng nghiêm khắc hơn để các công ty lữ hành không vi phạm các quy định về cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ nếu tổ chức tour 0 đồng thì công ty lữ hành phải niêm yết rõ, đầy đủ và phải có chú thích rõ ràng những nơi đưa khách đến. Không cho tổ chức song song vừa tour 0 đồng vừa tour tự chọn cùng một lúc để gây nhầm lẫn cho khách… Nếu xử lý không chặt sẽ gây mất hình ảnh trong con mắt khách du lịch (nhất là khách du lịch nước ngoài).

Tuy nhiên, khách du lịch cũng cần tỉnh táo và kiên định trong lựa chọn của mình, đồng thời sáng suốt khi lựa chọn những công ty lữ hành uy tín, các tour du lịch nhằm đảm bảo lợi ích cho chính bản thân mình./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực