Vì sao Công ty than Mông Dương “phớt lờ” quy định đấu thầu?

Thứ ba, 04/08/2020 16:59
(ĐCSVN) - Dù không đủ tư cách tham gia đấu thầu theo quy định, nhưng Công ty CP than Mông Dương vẫn “ưu ái” để Công ty Thăng Long trúng thầu. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quy định cụ thể về lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, nhưng Công ty CP than Mông Dương không thực hiện.
 Quyết định số 1056/QĐ-TMD phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công đào chống các hạng mục công trình Lò XVVC mức -250 M6-N5 Cánh Tây.  

Không đủ "tư cách" vẫn trúng thầu?

Vừa qua, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc về nhiều bất thường trong công tác lựa chọn nhà thầu tại gói thầu thi công đào chống các hạng mục công trình Lò XVVC mức -250 M6-N5 Cánh Tây do Công ty CP than Mông Dương (gọi tắt là Công ty than Mông Dương) làm chủ đầu tư.

Theo thông tin bạn đọc phản ánh, ngày 7/5/2020, ông Nguyễn Quế Thanh, Giám đốc công ty than Mông Dương ban hành Quyết định số 1056/QĐ-TMD phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công đào chống các hạng mục công trình Lò XVVC mức -250 M6-N5 Cánh Tây. Tại quyết định này, đơn vị trúng thầu được phê duyệt là Công ty CP thương mại và Công nghệ Máy công trình Thăng Long (gói tắt là công ty Thăng Long, giá trúng thầu là 7.796.083.394 đồng, hình thức hợp đồng là hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Điều đáng nói, tại thời điểm công ty Thăng Long trúng thầu, đơn vị này vẫn chưa thực hiện việc nộp phí duy trì theo quy định tại khoản 3, điều 21, Thông tư 11/2019/TT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy, theo quy định tại điều 5 của Luật Đấu thầu thì công ty Thăng Long không đủ tư cách để tham gia dự thầu. “Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà Ông Nguyễn Quế Thanh, Giám đốc công ty than Mông Dương vẫn ký quyết định công nhận công ty Thăng Long là đơn vị trúng gói thầu thi công với giá trị gần 7,8 tỷ đồng” – bạn đọc đặt câu hỏi.

Ngoài ra, bạn đọc cho rằng theo quy định tại điều 29, Thông tư 11/2019/TT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định về lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc phải tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng theo lộ trình như sau: Năm 2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Theo quy định nêu trên, gói thầu thi công đào chống các hạng mục công trình Lò XVVC mức -250 M6-N5 Cánh Tây  do công ty than Mông Dương làm chủ đầu tư phải được tổ chức đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn thực hiện đấu thầu trực tiếp, “phớt lờ” quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ đầu tư có vận dụng đúng luật?

Để làm rõ những bất thường mà bạn đọc phản ánh trong gói thầu nêu trên, ngày 15/7, phóng viên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam đã liên hệ làm việc với công ty than Mông Dương. Tuy nhiên, tại buổi làm việc này phóng viên được cán bộ của đơn vị đề nghị đặt lại nội dung để xin ý kiến lãnh đạo và trả lời sau.

Ngày 28/7, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được văn bản phản hồi từ công ty than Mông Dương về những nội dung bạn đọc phản ánh, cụ thể: Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, tại sao công ty Thăng Long chưa đóng phí duy trì là không đủ tư cách tham gia dự thầu nhưng vẫn trúng thầu, công ty than Mông Dương cho rằng: “công ty Thăng Long đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu từ ngày 11/1/2017. Theo khỏan 1 điều 5 Luật Đấu thầu, một trong những điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu là: Đã đăng kí trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, do đó nhà thầu đã đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ nêu tại điểm d, khoản 1, điều 5 của Luật Đấu thầu”.

Khoản 3, điều 21, Thông tư 11/TT của Bộ KH&ĐT nêu rõ: “Thanh toán chi phí lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Thông tư này. Đối với gói thầu tổ chức đấu thầu qua mạng, trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư đã có tên trên Hệ thống nhưng chưa thanh toán chi phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Thông tư này, Trung tâm có trách nhiệm gửi thư điện tử (e-mail) yêu cầu thanh toán. Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thư điện tử của Trung tâm, nhà thầu, nhà đầu tư vẫn không thanh toán thì Hệ thống hiển thị thông báo về việc tạm ngừng tham gia Hệ thống của nhà thầu, nhà đầu tư. Trong trường hợp này, nhà thầu, nhà đầu tư được xem là không bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 của Luật đấu thầu, Mục 5 Chương I các Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT , đồng thời nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện được các giao dịch liên quan trên Hệ thống”.

Công văn 579/BKHĐT-QLĐT ngày 30/1/2020 của Bộ KH&ĐT quy định rất rõ đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thỏa mãn điều kiện là lĩnh vực xây lắp, phương thức đấu thầu một giai đoạn một túi hồ sơ, loại hợp đồng trọn gói đều phải đấu thầu qua mạng tuy nhiên trong công văn số 507 của Công ty Than Mông Dương trả lời Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam lại khẳng định gói thầu theo Quyết định số 1056 không phải đấu thầu qua mạng (?)!.

Quy định nêu trên đã rõ, tuy nhiên công ty than Mông Dương lại cho rằng, gói thầu nêu trên, đơn vị không tổ chức đấu thầu qua mạng (?), do đó không thuộc đối tượng áp dụng của điều 21, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT (?).

Trả lời về việc công ty không thực hiện việc đấu thầu qua mạng, theo lộ trình mà BKHĐT đã quy định tại điểm a khoản 1 điều 29 Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT, công ty than Mông Dương lý giải: “Do tính chất của gói thầu trên là gói thầu đào lò, phương thưc đầu thầu là một giai đoạn một túi hồ sơ; loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Do đó, gói thầu thi công đào chống các hạng mục công trình Lò XVVC mức -250 M6-N5 Cánh Tây của công ty nằm trong trường hợp chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng”.

Đồng thời, công ty than Mông Dương cũng cho rằng, gói thầu nêu trên của đơn vị thực hiện với nguồn vốn là chi phí sản xuất hàng năm, do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu.

 Điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin theo Điều 5 của Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT: Để tham gia và thực hiện các giao dịch trên Hệ thống, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 79 và Khoản 1 Điều 80 của Luật đấu thầu và được hướng dẫn chi tiết.. Do vậy, không thể có trường hợp ngoại lệ với bất cứ lý do nào và tất cả đều phải tuần thủ theo quy định của Luật Đấu thầu. 

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm: “Theo quy định hiện hành của pháp luật thì việc thực hiện các dự án đầu tư phải thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Việc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng theo quy định của Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT đã rất rõ ràng, tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, có vốn nhà nước phải thực hiên nghiêm túc.

Bên cạnh đó, Theo Điều 5: Điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin của Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT: Để tham gia và thực hiện các giao dịch trên Hệ thống, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 79 và Khoản 1 Điều 80 của Luật đấu thầu và được hướng dẫn chi tiết.. Do vậy, không thể có trường hợp ngoại lệ với bất cứ lý do nào và tất cả đều phải tuần thủ theo quy định của Luật Đấu thầu. Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đấu thầu. Nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Dư luận đặt ra nghi vấn tính minh bạch của gói thầu do Công ty CP than Mông Dương làm chủ đầu tư. Phải chăng có hành vi “bắt tay” để Công ty Thăng Long trúng thầu(?).

Do đó, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Bộ Công thương, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an), Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), cần sớm vào cuộc để làm rõ lại quy trình đấu thầu đã được làm đúng, đủ, công khai, minh bạch hay chưa? Cũng cần nêu rõ tên những nhà thầu vi phạm pháp luật để minh bạch công tác đấu thầu, ngăn cản lợi ích nhóm giữa đơn vị tổ chức đấu thầu và nhà thầu.

Ngoài ra cũng cần thanh tra toàn diện đối với các gói thầu tại Công ty than Mông Dương để rà soát tổng thể, phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực