Vụ rò rỉ khí amoniac tại TP. Hồ Chí Minh: Người dân có quyền được bồi thường thiệt hại?

Thứ sáu, 13/10/2017 18:10
(ĐCSVN) – Sự cố rò rỉ khí amoniac (NH3) do vỡ đường ống dẫn khí xảy ra tại Trạm chiết gas thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc (ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) vào sáng 10/10 đã khiến 4 người nhập viện, nhiều gia súc, gia cầm của người dân bị chết, 1.300 người phải sơ tán khẩn cấp. Vậy, Công ty TNHH Vĩnh Lộc (gọi tắt là Công ty Vĩnh Lộc) có phải bồi thường thiệt hại?

Vật nuôi của người dân bị chết hàng loạt do sự cố rò rỉ khí amoniac tại  Trạm chiết gas thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc. Ảnh: thanhnien.vn.

Trao đổi về sự việc trên, luật sư Nguyễn Minh Cường - Văn phòng luật sư Nguyễn Cường và cộng sự (Hà Nội), cho biết, sự việc trên cho thấy, Công ty Vĩnh Lộc đã không đảm bảo an toàn về kỹ thuật, phương tiện hoạt động dẫn đến khí amoniac phát tán ra môi trường khu dân cư, gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người dân. Do đó, Công ty đã vi phạm Điều 68 Luật Bảo vệ Môi trường 2014: Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo không để rò rỉ, phát tán khí độc ra môi trường; cơ sở sản xuất có chất độc hại đối với người và sinh vật có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư.

Mặt khác, Khoản 3 Điều 164 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định:

a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;

b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra;

c) Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”

Điều 602 Bộ Luật Dân sự 2015, cũng quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường tho quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đó không có lỗi”.

Trong trường hợp trên, chủ thể làm ô nhiễm môi trường chính là Công Vĩnh Lộc, thiệt hại gây ra cụ thể là 4 người dân phải nhập viện, nhiều gia súc gia cầm bị chết, hàng nghìn người phải sơ tán... Thiệt hại này phù hợp với quy định về loại thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra tại Điều 163 Luật Bảo vệ môi trường 2014. Theo đó, có 2 loại thiệt hại: (i) suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; (ii) thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Từ những viện dẫn trên, luật sư cho rằng, người dân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Công Vĩnh Lộc bồi thường cả về sức khỏe và tài sản (gia súc, gia cầm bị chết). Nếu hai bên không tự thỏa thuận được việc bồi thường, mức bồi thường thì người dân cần làm đơn khởi kiện gửi lên Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh để yêu cầu được bồi thường.

Khi đó, Tòa án sẽ căn cứ Điều 589 (thiệt hại do tài sản bị xâm phạm) và Điều 590 (thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm) Bộ Luật Dân sự 2015 được hướng dẫn cụ thể tại Mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, để xác định mức bồi thường./

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực