Mũ bảo hiểm giả và tính mạng người tham gia giao thông

Chủ nhật, 03/09/2017 09:06
(ĐCSVN) - Đi kèm với mũ bảo hiểm (MBH) rởm, kém chất lượng là nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Đã có những quy định chặt chẽ về chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng, kết cấu… của MBH nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên hiện nay MBH kém chất lượng vẫn được bày bán công khai mà không bị xử lý...

Hiện nay, nếu có dịp qua lại đoạn đầu đường Khâm Thiên đoạn giao với đường Lê Duẩn (Hà Nội), chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những người bán rong mũ bảo hiểm (MBH) rởm với số lượng hàng rổ. Dạo một vòng các phố nội thành, ngoại thành Hà Nội, chúng ta dễ dàng gặp nhiều trường hợp tương tự. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này, đó cũng là việc làm góp phần đảm bảo sự an toàn cho mỗi người dân sử dụng MBH khi tham gia giao thông.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các sạp hàng rong trên đầu đường Khâm Thiên chủ yếu bán các loại MBH thời trang, như dáng mũ lưỡi trai, gọn nhẹ, màu sắc bắt mắt và khác xa với hình dáng của một chiếc mũ đạt chuẩn theo quy định. Cụ thể, phần nhựa cứng và cả phần xốp thì mỏng, kết cấu đai dây an toàn để cố định mũ khi đội thiếu độ chắc chắn. Có nhiều dáng mũ còn được “lên đời” dán cả tem kiểm định chất lượng đàng hoàng như (CS, hoặc CR) để thu hút người mua.

Chị Nguyễn Hồng Th, 37 tuổi, nhà ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) làm nghề bán rong MBH ở đầu đường Khâm Thiên cho chúng tôi biết: Mình bán MBH hàng chục năm nay rồi, trước cũng có thuê cửa hàng, bán các mẫu MBH đạt chuẩn, tuy nhiên, những mẫu mũ này chỉ thu hút được một lượng khách nhất định, còn đa số giới trẻ lại không mặn mà, thành ra việc kinh doanh gặp khó khăn, nên phải bỏ cửa hàng ra bán rong để cầm cự cuộc sống.

Chị Th. cho biết thêm, bí quyết để hàng bán chạy là mũ phải có kiểu dáng thời trang, màu sắc phong phú, bắt mắt và yếu tố quyết định nữa: giá phải thực sự “mềm”. Hiện mỗi chiếc MBH thời trang chị Th. bán ra từ 30 – 40 nghìn đồng/chiếc. Thỉnh thoảng gặp khách “rắn” họ mặc cả 2 chiếc 50 nghìn đồng chị cũng bán…

Chúng tôi tiếp tục dạo qua những tuyến phố khác thuộc nội thành Hà Nội như đường Lê Duẩn, Nguyễn Xiển, đường ven sông Tô Lịch… đều bắt gặp rất nhiều các sạp kinh doanh MBH nhái, giá rẻ bất ngờ, đông người tiêu dùng lui tới. Điều dễ nhận thấy, dù có kiểu dáng, mẫu mã khác nhau, song giá của các sản phẩm MBH dạng này đều được chủ các sạp kinh doanh đưa ra chỉ từ 30.000 đến 60.000 đồng. Mức giá rẻ hơn 3 - 4 lần so với giá của loại mũ đạt chuẩn, chính hãng đang được bày bán trên thị trường.

Đang đứng mua MBH tại sạp hàng rong trên đường Nguyễn Xiển, Đỗ Thành Nam (quê Nam Định), sinh viên trường Đại học Thủy Lợi cho biết: Bọn em biết đội MBH đạt chuẩn sẽ an toàn hơn so với mũ thời trang, mũ nhái. Tuy nhiên, chiếc mũ “xịn” thường cồng kềnh, nặng hơn, đắt hơn nhiều lại mất công bảo quản, nên chúng em dùng loại này thôi…

Còn Phạm Hương Giang, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Bọn em hay chọn MBH thời trang (thực tế là MBH rởm) vì nó vừa nhẹ, thiết kế phù hợp nên giữ các kiểu dáng tóc theo mốt của giới trẻ.

“Tôi mua mấy cái này là để “phòng” công an là chính, chứ giờ chạy xe ôm được mấy đồng đâu mà đầu tư mua được mũ đẹp, an toàn…” - ông Ngô Công Quang, 54 tuổi, quê Hưng Yên làm nghề xe ôm ở bến xe Giáp Bát đang mua một lúc 2 chiếc MBH thời trang ở đường Lê Duẩn thật thà chia sẻ.

Từ đó có thể thấy, hệ lụy khôn lường khi người dân điều khiển phương tiện (xe môtô, xe gắn máy…) tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không được kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật bắt nguồn từ chính tâm lý tiện đâu mua đấy, “mua để đội cho có” nhằm đối phó lại việc xử lý của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Và, như vậy, các sạp kinh doanh MBH dởm di động trên các tuyến phố xuất hiện và có đất tồn tại suốt nhiều năm qua.

Người bán MBH kém chất lượng tại đường Khâm Thiên quay mặt đi khi biết PV chụp hình. Ảnh: QC

Có một điểm chung là các sạp hàng MBH rong thường được hình thành bởi một số tiểu thương xếp từng chồng mũ bảo hiểm rẻ tiền trên những chiếc ghế nhựa đặt trên vỉa hè, hoặc trong rổ tre, rổ nhựa lớn... Theo chúng tôi được biết, việc tạo ra số sạp kinh doanh di động như vậy cũng nhằm mục đích dễ chạy và tẩu tán hàng nhằm né tránh sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Không riêng gì tuyến phố nội thành Lê Duẩn, Khâm Thiên, hay đường ven sông Tô Lịch, đoạn song song với đường Bưởi (cũ) mà đầu quốc lộ 1A cũ (địa phận huyện Thanh Trì), hoặc đầu quốc lộ 5 địa phận huyện Gia Lâm nhiều chủ sạp nơi đây cũng bày bán MBH rởm một cách công khai. Những chiếc bạt trải tạm vỉa hè, những cành cây bên đường… đã được người bán rong tận dụng thành vị trí bày biện, rao bán MBH. 

Một người bán rong MBH giá rẻ cho hay, thực sự họ không biết xuất xứ MBH giá rẻ này ở đâu, vì hàng lấy đã qua tay lái buôn. Chỉ cần đặt hàng là các lái buôn chuyển về cho cả ô tô, sau đó phân phối ra các địa bàn...

Theo một lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, một trong những khó khăn trong thời gian vừa qua là sự linh động của các cơ sở sản xuất giả mạo MBH. Với cách thức mũ giả MBH thì chỉ cần khuôn viên chỉ khoảng 10-15m2 thì người ta có thể sản suất trăm nghìn MBH giả mạo.

Bên cạnh đó, trước đây các chế tài các quy định sản xuất MBH chưa có, do đó chưa thể xử lí được vấn đề này. Tự do kinh doanh, tự do sản xuất MBH đã làm cho thị trường MBH lộn xộn, không thể kiểm soát.

Xung quanh vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2016/NĐ-CP. Nghị định 87 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 nhằm quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất, kinh doanh MBH, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Các yêu cầu về điều kiện sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm theo Nghị định 87/2016/NĐ-CP chặt chẽ hơn nhiều so với quy định cũ, do đó những doanh nghiệp không đủ năng lực đáp ứng các điều kiện sẽ phải loại ra khỏi thị trường.

Thượng úy Trần Quang Chính, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) số 6, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, đơn vị bên cạnh việc xử lý các trường hợp điều khiển xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, lý giải cho người tham gia giao thông thấy rằng hiệu quả của việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ góp phần bảo vệ tính mạng của bản thân khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông trên đường. Tuy nhiên, dù biết là mũ không đạt chuẩn, kém chất lượng, nhưng vì thấy mũ có giá rẻ, kiểu dáng thời trang, rồi mang suy nghĩ “đội để đối phó lực lượng chức năng”, nên một bộ phận người dân vẫn mua và sử dụng loại mũ bảo hiểm không đạt chuẩn dạng này.

Từ các vấn đề đã trình bày ở trên, đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp xử lý thật mạnh tay các hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt chuẩn. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền phổ biến cho người điều khiển phương tiện giao thông nâng cao ý thức trách nhiệm, nói không với mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm kém chất lượng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người tham gia giao thông. Qua đây cũng khuyến cáo người tham gia giao thông nên tìm mua MBH ở các cửa hàng, đại lý của các thương hiệu uy tín, có tem kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng theo hướng dẫn chi tiết tại điều 3, Điều 4, Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Tai nạn giao thông là kẻ thù của mọi người, mọi nhà - hãy đề phòng tai họa từ những nguy cơ tưởng chừng như “chuyện nhỏ”, trong đó việc đồng tình với đội MBH rởm, kém chất lượng là một nguyên nhân tiềm ẩn./.                                                                                                                                 

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực