Sập giàn giáo làm 3 người chết: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ hai, 22/01/2018 11:07
(ĐCSVN) – Liên quan đến vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra rạng sáng 17/1 vừa qua khiến 6 người thương vong, luật sư cho rằng, để xảy ra hậu quả như vụ việc trên, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu cung ứng vật liệu xây dựng, tư vấn giám sát đều có trách nhiệm liên đới.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, Luật sư Dương Văn Thụ - Văn phòng luật sư Thiên Dương (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, theo quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, để xảy ra tai nạn như trên thì trách nhiệm thuộc về hầu hết các bên tham gia hoạt động cung ứng và xây dựng tại công trình này…

Về trách nhiệm của chủ đầu tư công trình, ông Thụ cho biết: “Theo quy định thì chủ đầu tư công trình phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư do mình quản lý; phải thành lập Ban quản lý dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án phải có đầy đủ điều kiện năng lực theo quy định. Chỉ được ký hợp đồng giao nhận thầu đối với những tổ chức tư vấn doanh nghiệp xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định hiện hành; và được quyền yêu cầu những đơn vị liên quan, theo hợp đồng, giải trình về chất lượng vật liệu, thiết bị, công việc…”

Đối với đơn vị thi công (nhà thầu thi công), phải đảm bảo chất lượng, an toàn, môi trường xây dựng tốt cho công trình đang thi công, những công trình khác xung quanh và khu vực lân cận. Chỉ được phép nhận thầu thi công những công trình thực hiện đúng thủ tục đầu tư và xây dựng, phù hợp với năng lực của mình; thi công đúng thiết kế được duyệt, áp dụng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đã được quy định và chịu sự giám sát, kiểm tra thường xuyên về chất lượng công trình của chủ đầu tư, tổ chức thiết kế và cơ quan giám định Nhà nước theo phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Khu vực giàn giáo bị đổ sập. (Ảnh: tienphong.vn)

Ngoài ra, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về thi công xây lắp công trình, kể cả những phần việc do nhà thầu phụ thực hiện theo quy định của hợp đồng giao nhận thầu xây lắp. Trong quá trình thi công, vật liệu thành phẩm hoặc bán thành phẩm, cấu kiện xây dựng sử dụng vào công trình phải có chứng nhận về chất lượng gửi cho chủ đầu tư để kiểm soát trước khi sử dụng theo quy định; tổ chức hệ thống bảo đảm chất lượng công trình để quản lý sản phẩm xây dựng, quản lý công trình trong quá trình thi công.

Đơn vị thi công phải tổ chức hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với hợp đồng giao thầu, trong đó cần có bộ phận giám sát chất lượng riêng của doanh nghiệp. Lập đầy đủ, đúng quy định nhật ký thi công xây dựng công trình. Chỉ được phép thay đổi, bổ sung vật liệu, khối lượng khi được chủ đầu tư chấp thuận (có biên bản ký nhận giữa các bên liên quan). Lập báo cáo đầy đủ quy trình tự kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng. Phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị giám sát, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nghiệm thu. Báo cáo thường xuyên với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn và môi trường xây dựng..

Luật sư Dương Văn Thụ - Văn phòng luật sư Thiên Dương. (Ảnh: VH)

Theo nhận định của Luật sư Thụ, để xảy ra hậu quả này, trách nhiệm còn nằm ở đơn vị giám sát thi công xây lắp. Bởi nếu tuân thủ theo quy định, đơn vị giám sát cần thực hiện đầy đủ các quy trình như: Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu của dự án; kiểm tra các điều kiện khởi công, điều kiện về năng lực các nhà thầu, thiết bị thi công (phù hợp hồ sơ dự thầu), phòng thí nghiệm của nhà thầu hay những cơ sở sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng (khi cần thiết); kiểm tra chứng chỉ xuất xưởng, chứng chỉ chất lượng thiết bị công trình.

Bên cạnh đó, lập đề cương, kế hoạch và biện pháp thực hiện giám sát; kiểm tra chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn, môi trường của công trình, hạng mục công trình; tổ chức kiểm định sản phẩm xây dựng khi cần thiết; giúp chủ đầu tư lập báo cáo thường kỳ về chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

Trước đó, vào khoảng 2h30 sáng 17/1 tại công trình xây dựng tại phố Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn lao động làm 6 người thương vong, trong đó 3 người đã tử vong.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng đã tiến hành đình chỉ thi công công trình xây dựng trên. Theo đó, nguyên nhân ban đầu được đơn vị chức năng xác định có thể  là do kết cấu giàn giáo không chắc chắn, dẫn tới làm 258m2 trong tổng số hơn 1000m2 mặt sàn bị đổ sập ngay trong quá trình đơn vị thi công đang đổ bê-tông.

Được biết, công trình bị sập giàn giáo do Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư và dịch vụ Việt Nhật làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội, đơn vị giám sát là Công ty Cổ phần Xây dựng đô thị Hà Nội. Công trình được UBND quận Nam Từ Liêm cấp phép xây dựng từ ngày 14/11/2017, thông báo khởi công vào ngày 15/11.

“Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bên khi tham gia hoạt động xây dựng. Vì vậy để xảy ra hậu quả như vụ việc trên thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình có người bị thiệt mạng và cho người bị thương. Cơ quan có thẩm quyền cần thu thập tài liệu như nhật ký thi công, các kết quả thí nghiệm vật liệu xây dựng… để có căn cứ quy trách nhiệm tổ chức, cá nhân làm sai quy trình dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, từ đó có căn cứ để xử lý tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật” – Luật sư Dương Văn Thụ nói./.

Vũ Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực