Tín ngưỡng thờ Mẫu: Bài toán bảo tồn sau vinh danh

Thứ tư, 01/02/2017 18:10
(ĐCSVN) – Ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là niềm tự hào, nhưng cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy di sản này một cách khoa học, giúp di sản trường tồn mãi mãi trong đời sống văn hóa của người Việt.

 

 "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: PT

Một nét đẹp của văn hóa Việt

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nhằm tôn vinh, đề cao vai trò của người mẹ, góp phần gia tăng lòng khoan dung giữa các tộc người và tôn giáo; thể hiện sự sáng tạo của con người trong các thực hành nghi lễ, lễ hội, các sinh hoạt văn hóa liên quan. Ở đó, yếu tố văn hóa, nghệ thuật như hát chầu văn, nhạc lễ, múa thiêng, trang phục, trình diễn… đều mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm. PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Họ thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.

Tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hàng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

Bên cạnh đó, Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng; thừa nhận sự tương đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa. Đối với người dân Việt Nam Đạo Mẫu là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển. Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã được UNESCO vinh danh. Điều đó cho thấy thế giới đánh giá rất cao đời sống tâm linh của người Việt Nam đã có truyền thống từ hàng nghìn năm, đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt.

Tránh biến tướng sau vinh danh

Những giá trị văn hóa nổi bật của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là không thể phủ nhận, nhưng từ thực tế lâu nay cho thấy, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa và tạo ra những hệ lụy không tốt trong xã hội. Chính vì vậy, nhiều người tỏ ra lo ngại rằng Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sẽ bị “biến tướng” sau vinh danh nếu không có hình thức quản lý phù hợp.

Về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: Việc bảo tồn di sản là phải dựa vào cộng đồng. Do vậy, các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần định hướng cho người dân nhận thức đúng, thực hành đúng nghi lễ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Trên cơ sở sự hiểu biết, cộng đồng sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy di sản một cách đúng đắn, hạn chế những biến tướng xấu trong xã hội.

Đồng quan điểm trên, bà Chu Thị Minh Tân, Phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng về những giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tránh những nhận thức không đúng về di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ, cần khuyến khích các nghệ nhân phát huy vai trò của mình, gương mẫu trong thực hành để vừa bảo vệ di sản, vừa thực hiện được nhu cầu tâm linh của mình. Đồng thời, phải thường xuyên rà soát các chủ thể văn hóa là những người đang thực hành di sản bao gồm thủ nhang, pháp sư, đồng đền, cung văn, người phụ lễ…

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương có những trở ngại trong việc quản lý "lên đồng". Chính phủ đã ban hành một số chính sách để quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Nhờ đó, việc tổ chức lễ hội, nghi lễ ở các đền, các phủ thờ Mẫu tam phủ được thực hiện tốt tạo điều kiện thuận lợi cho những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu thực hành và bảo tồn di sản.  

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không chỉ ở các nhà quản lý mà cần sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng. Các tổ chức, đơn vị như Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam và các tổ chức, cơ quan khác cùng với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai các hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa thờ Mẫu, chầu văn như liên hoan hát văn, tổ chức giao lưu lên đồng giữa các đền các phủ, và với các hình thức shaman giáo khác của các dân tộc ở Việt Nam và các nước. Khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ. 

Những người cao tuổi, hiểu biết ở địa phương cùng với các nhà nghiên cứu trung ương tìm hiểu, nghiên cứu và phục hồi một số nghi lễ dân gian vốn có trong lễ hội Phủ Dầy như tục rước nước tại đền Giếng để làm lễ mộc dục; phục hồi đường rước thỉnh kinh ở Phủ Dầy lên các chùa trong khu vực. Các thủ nhang, thanh đồng, cung văn phối hợp với các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các đơn vị, công ty du lịch, kết nối với các phủ, các điện thờ giới thiệu cho khách tham quan, khách hành hương về giá trị và bản sắc văn hóa Việt trong diễn xướng lên đồng, hát văn, lễ hội dân gian. Cộng đồng các bản hội thờ Mẫu hợp tác với cơ quan truyền hình xây dựng chương trình giới thiệu về lên đồng, hát văn. 

“Cộng đồng góp phần tích cực không chỉ trong truyền dạy, trong việc đảm bảo những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, mà còn góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực và những hành động trục lợi, “buôn thần bán thánh” - PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh./.

Phương Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực