Tuyên truyền chính sách pháp luật cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung

Thứ bảy, 28/10/2017 11:16
(ĐCSVN) – Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để giúp ngư dân nâng cao nhận thức, có trách nhiệm trong việc đánh bắt, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là tránh xâm phạm vào vùng biển nước khác, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đồng hành với ngư dân.

Tuyên truyền chính sách pháp luật cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung

Tuyên truyền chính sách pháp luật cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung

Các lực lượng chức năng phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật cho ngư dân.

Mô hình “3 trong 1” tại Đà Nẵng

Phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà là một trong hai địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất của TP. Đà Nẵng. Theo số liệu thống kê của UBND phường, hiện toàn phường có 360 tàu các loại, trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lên là 190 chiếc; riêng tàu công suất từ 400 CV chuyên đánh bắt xa bờ là 170 chiếc, chiếm 60% của toàn quận Sơn Trà và chiếm ¼ số lượng tàu thuyền cùng công suất của toàn thành phố.

Điều đáng nói là từ nhiều năm qua, đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ của phường Nại Hiên Đông nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung đến nay chưa hề có tàu thuyền nào đánh bắt vi phạm lãnh hải nước khác để bị bắt. Đây là một kết quả đáng mừng khi liên tục gần đây, nhiều địa phương trong cả nước và các tỉnh Duyên hải miền Trung có tàu bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt do quá trình đánh bắt đã xâm phạm lãnh hải nước họ. Khi bị bắt, các ngư dân và phương tiện đánh bắt thường bị tịch thu hoặc bị tiêu hủy, người thì bị bỏ tù, lao động khổ sai hay bị đánh đập, muốn về nước phải bỏ tiền chuộc theo chế tài pháp luật của nước sở tại. Vì vậy, không ít ngư dân sau khi bị bắt đã trắng tay, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (34 tuổi, trú tại Khu phố 6, phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Vào ngày 12/4/2017, tàu cá của gia đình chị mang số hiệu PY 95003 TS do chồng chị là ngư dân Nguyễn Văn Tý làm thuyền trưởng khi đang hoạt động ở vị trí 07,15 vĩ độ Bắc - 109,59 kinh độ Đông thì bị tàu của Cảnh sát biển Indonesia cặp mạn dắt đi. Ngư dân Nguyễn Văn Tý cùng 5 ngư dân khác trên tàu bị đưa lên đảo Natuna giam giữ tại nhà giam Ranay. Riêng tàu cá PY 95003TS bị lực lượng chức năng của Indonesia dùng thuốc nổ phá hủy hoàn toàn. Đến nay, 05 ngư dân là lao động trên tàu của anh Tý đã được trả về nước, nhưng anh Tý vẫn còn bị giam giữ tại Indonesia chưa được trả về nước...

Theo chị Thủy, từ ngày chồng bị bắt, tàu bị hủy thì gia đình chị hoàn toàn "trắng tay". Bản thân chị ở nhà lo cho 03 con nhỏ và tranh thủ đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Ai kêu việc gì thì chị làm việc ấy, mỗi ngày kiếm được từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng nên cuộc sống gia đình chị hiện rất khó khăn. Trong khi đó, hàng tháng chị phải gửi tiền sang Indonesia để lo cho chồng ăn uống mỗi ngày. "Cuộc sống gia đình tôi bây giờ hoàn toàn kiệt quệ, vợ chồng tích cốp nhiều năm có mỗi con tàu bây giờ đã bị Indonesia thiêu hủy, nên không biết phải làm gì mà sống. Tôi rất mong các ngành chức năng của Nhà nước sớm can thiệp, giúp đỡ để chồng tôi được tha về nước sớm"- Chị Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.

Chồng bị phía Indonesia bắt giữ đến nay vẫn chưa về,
ở nhà một mình chị Thúy phải đi làm thuê kiếm sống và đang nuôi con
bị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Cuộc sống gia đình chị bây giờ hết sức khó khăn.

Trở lại với đội tàu đánh bắt xa bờ của phường Nại Hiên Đông nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung, khi nói về kết quả đáng mừng đó, đồng chí Nguyễn Huy Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường đã khẳng định: “Tất cả đều nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Nghề cá và cả Nghiệp đoàn nghề cá lẫn Trung đội Dân quân biển hoạt động tập trung đã thường xuyên, liên tục, kiên trì bám ngư dân để tuyên truyền, giúp ngư dân hiểu biết, nắm bắt đầy đủ các quy định của đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi tham gia đánh bắt, vừa không vi phạm chủ quyền nước khác, vừa không sử dụng các hình thức, phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt, gây hủy hoại nguồn lợi thủy sản và môi trường”.

Chia sẻ thêm các mô hình tuyên truyền hiệu quả đến ngư dân trên địa bàn phường, ông Mai Văn Đãi, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Nại Hiên Đông cho biết: Trong các mô hình tuyên truyền của phường chúng tôi, hiệu quả và thiết thực nhất là mô hình “3 trong 1”.

“Cụ thể là các đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá, đồng thời cũng là ngư dân và là thành viên của Trung đội Dân quân biển hoạt động tập trung khi tham gia đánh bắt xa bờ. Một khi bản thân ngư dân đã là một nghiệp đoàn viên của Nghiệp đoàn nghề cá, họ có trách nhiệm cao hơn với nghiệp đoàn, tổ đội đánh bắt của mình. Và đặc biệt, khi họ là một thành viên của Trung đội Dân quân biển hoạt động tập trung thì ý thức, trách nhiệm, nhất là ý thức trách nhiệm về thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật càng cao hơn.

Thực tế sau gần 03 năm ra đời, Trung đội Dân quân biển hoạt động tập trung tại phường Nại Hiên Đông đã đóng góp rất lớn và trở thành hạt nhân, nòng cốt làm lan tỏa ý thức trách nhiệm trước pháp luật đến đông đảo ngư dân trên địa bàn. Chính trong những chuyến biển xa bờ, ngư dân, nghiệp đoàn viên và thành viên của Trung đội Dân quân biển luôn sát cách bên nhau, khuyên nhủ nhau không vi phạm vùng biển các nước khác. Đây là nền tảng để ngư dân địa phương chưa hề bị nước ngoài bắt giữ do đánh bắt vi phạm lãnh hải nước họ”- ông Mai Văn Đãi cho biết thêm.

Nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp cùng ngư dân

Có thể nói, nếu mô hình “3 trong 1” tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho thấy sự gắn kết giữa chính quyền địa phương với ngư dân; mà cụ thể ở đây là giữa 3 đối tượng: Ngư dân, nghiệp đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá và Trung đội Dân quân biển đã đóng vai trò nòng cốt, giúp chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định, pháp luật của Nhà nước đến ngư dân, cần được phát huy, nhân rộng cho nhiều địa phương khác có biển trong cả nước.

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương Duyên hải miền Trung, sự vào cuộc đồng hành với ngư dân nhiều nơi khá đa dạng, phong phú, hiệu quả rất thiết thực, điển hình nhất là mô hình chuỗi về đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương tại tỉnh Khánh Hòa cũng nên được phát huy, nhân rộng.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện có 02 mô hình điểm về chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh đang được triển khai thí điểm để nhân rộng. Đó là mô hình chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương sọc dưa và mô hình chuỗi đánh bắt, thu mua, tiêu thụ cá ngừ đại dương vây vàng mắt to.

“Để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài trong việc tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương ngày càng khắc khe, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thu mua sản phẩm cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa rất khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng của đối tác, nhất là các đối tác: Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ… Họ đòi hỏi sản phẩm cá ngừ phải có truy xuất nguồn gốc; trong đó nếu đánh bắt vi phạm sang vùng biển nước khác thì nhất định họ không tiêu thụ và trả về. Vì thế, muốn đáp ứng yêu cầu của các đối tác này, các doanh nghiệp thu mua sản phẩm cá ngừ phải kết nối với ngư dân, đặt ra các yêu cầu nếu ngư dân đáp ứng, trong đó có yêu cầu cấm khai thác trên vùng biển nước ngoài thì sẽ thu mua và sẽ mua với mức giá cao hơn giá thị trường chung”- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Chánh chia sẻ.

Đồng thời, ông cũng cho biết thêm, sau nhiều lần phối hợp, Đề án chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương được Chi cục Thủy sản Khánh Hòa phối hợp với một số doanh nghiệp thu mua sản phẩm cá ngừ đại dương trên địa bàn được triển khai. Qua hơn một năm triển khai, từ 40 chủ tàu cá ban đầu đăng ký tham gia, hiện nay đã có gần 90 chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi đánh bắt và tiêu thụ thuộc 02 mô hình trên. Ngoài ra, theo dự kiến sắp tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sẽ đăng ký tham gia vào các chuỗi này. Riêng với các chủ tàu, muốn tham gia họ phải cam kết với doanh nghiệp không đánh bắt vi phạm lãnh hải nước khác. Nếu các mô hình trên được nhân rộng trong thời gian tới chắc chắc sẽ là cơ sở để Khánh Hòa giảm tối đa và tiến tới không còn tàu khai thác xa bờ vi phạm lãnh hải nước khác khi tham gia đánh bắt trên biển.

Chia sẻ thêm về trách nhiệm khi tham gia chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa mà doanh nghiệp tham gia, bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín (đóng tại TP. Cam Ranh) cho biết: Mô hình chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa đang phát huy hiệu quả, song chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu từ 02 mô hình trên thì chưa đủ, bởi Công ty chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng thị trường sang một số đối tác lớn tại Nhật Bản và EU, vì thế đòi hỏi sản lượng thu mua thời gian tới sẽ tăng cao hơn hiện nay nhiều lần. Do đó, chúng tôi đang tính đến việc liên kết với các địa phương có thế mạnh về nghề đánh bắt cá ngư đại dương như: Bình Định, Phú Yên... để xây dựng các mô hình chuỗi tương tự ở Khánh Hòa.

Rõ ràng, địa phương có biển kể trên, đặc biệt là tại Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… nếu học tập, nhân rộng mô hình chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương như ở Khánh Hòa đang làm sẽ góp phần đáng kể, vừa cải thiện đời sống, mức thu nhập cho ngư dân, đồng thời giúp ngư dân không vi phạm lãnh hải nước ngoài khi tham gia đánh bắt xa bờ. Vấn đề còn lại là phải huy động sự vào cuộc, đồng hành của các doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm tự giác của ngư dân.

Thu mua cá ngừ đại dương tại các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Tại Đà Nẵng, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội nghề cá TP cho biết, vừa qua, các doanh nghiệp đã tổ chức gặp mặt ngư dân, đặc biệt là chủ tàu cá xa bờ. Tại các buổi gặp mặt này, doanh nghiệp mời chuyên gia, nhà quản lý đến nói chuyện, tuyên truyền cho ngư dân các vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông, công tác ngư nghiệp, ngư dân, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, tình hình an ninh trật tự, an toàn trên biển, vấn đề lãnh hải, vùng biển giáp ranh, vấn đề bảo hộ công dân ở nước ngoài, các mức xử phạt khi đánh bắt vi phạm vào vùng biển nước khác … Qua đó, giúp ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật để khi tham gia đánh bắt không vi phạm vùng biển nước khác.

Đoạn kết

Ngày 24/8/2017 vừa qua, tại Hội nghị triển khai thực hiện Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/5/2017 về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài diễn ra tại Quảng Ngãi, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài ngày càng nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 17 vụ với 29 tàu và 349 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lí. So với năm trước, số vụ có giảm ở các nước ASEAN, nhưng tăng lên ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Các địa phương có tàu cá, ngư dân bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lí tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau,  Bình Thuận, Bến Tre...

Trước tình hình trên, thực hiện Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, hiện các địa phương có số tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân nắm chắc, hiểu rõ và tuân thủ thực hiện. Tuy nhiên, để tuyên truyền hiệu quả rất cần có sự quan tâm vào cuộc, đồng hành của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn mỗi địa phương.

Thiết nghĩ, các mô hình "3 trong 1" của Đà Nẵng và mô hình chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa cần được phát huy nhân rộng./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực