Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc!

Thứ ba, 21/08/2018 16:10
(ĐCSVN) - Như một nét văn hóa đẹp về đạo hiếu đã không còn xa lạ với nhiều người - nghi lễ Vu lan báo hiếu cài hoa đỏ - trắng, ấy màu phân biệt mất - còn cha, mẹ. Nhưng, đóa hoa nào tươi thắm hơn nụ cười của mẹ, và không thể rạng rỡ hơn gương mặt của cha.
Ảnh minh họa (Nguồn: laodongthudo.vn)

"Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Là người Việt Nam, phần lớn chúng ta lớn lên qua những lời ru của mẹ. Lời ru của mẹ theo con suốt đời! Đó là những điệu hò, câu ví; là ca dao, tục ngữ; là lời non nước, ông cha… Biết bao thế hệ vẫn truyền trao nhau, để rồi thế hệ tiếp sau, khi làm cha, làm mẹ lại bồng ru con. Có nuôi con mới thấu lòng cha mẹ. Dòng sữa ngọt ngào mẹ rút ruột nuôi con. Giọt mồ hôi cha dìu dắt mỗi bước đi…; chăm sóc cho con từng miếng ăn giấc ngủ; là những đêm trắng... biết bao tiếng ầu ơ lời mẹ ru. Con lớn lên trong tình thương cha mẹ… Chẳng thể nào kể xiết nghĩa mẹ, công cha!

Tảo tần mẹ vẫn sớm khuya, nuôi con khôn lớn mẹ chưa than phiền. Cha thì chăm bẵm tháng năm, chập chững con bước cuộc đời cha nâng. Thế mà có lúc bâng khuâng, dõi theo con bước mà lòng không yên - đấy là tấm lòng cha me.  Với cha mẹ, các con vẫn như thủa nào, đã lớn khôn mà như còn bé nhỏ, yên bình nào hơn sự che chở của cha mẹ, “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha…” - lời bài thơ này như để khắc cốt ghi tâm đối với đạo làm con.

Cuộc sống hiện đại ngày nay dường như bận rộn hơn với nhiều người. Thời gian để chăm sóc cho các bậc sinh thành có lẽ ngày càng ít hơn… Không ít các gia đình đã gửi cha mẹ mình đến trung tâm dưỡng lão. Như vậy cũng tốt vì nó là một xu thế của xã hội. Tuy nhiên, cũng không nên giao phó hết cho các trung tâm dưỡng lão mà quên đi bổn phận của đạo làm con. Với truyền thống Á Đông, người Việt Nam luôn coi trọng đạo hiếu, cũng như văn hóa sống sum vầy bên con cháu. Tình thương yêu, đùm bọc của gia đình là nguồn khơi dậy lòng nhân ái, vị tha được ẩn chứa trong mỗi con người.

Như một nét văn hóa đẹp về đạo hiếu đã không còn xa lạ với nhiều người - nghi lễ Vu lan báo hiếu cài hoa đỏ - trắng ấy màu phân biệt mất - còn mẹ, cha. Nhưng, đóa hoa nào tươi thắm hơn nụ cười của mẹ, và không thể rạng rỡ hơn gương mặt của cha. Nụ cười của mẹ chính là mùa xuân, cha vui vẻ như bầu trời rộng mở. Áp lực cuộc sống đôi khi làm chúng ta mệt mỏi, nhưng vòng tay mẹ lại luôn vỗ về, cái ôm của cha giúp con thêm sức mạnh. Biển trời kia sao sánh nổi với tình mẹ, tình cha. Hạnh phúc nào khi còn cả mẹ, lẫn cha!

Vu Lan báo hiếu, không biết có tự bao giờ? Tháng bảy này lại làm thổn thức hàng triệu trái tim. Mất mẹ rồi những giọt lệ con rơi. Âu là quy luật tự nhiên, kiếp người vốn dĩ “sinh - lão- bệnh - tử” đương nhiên lẽ thường. Lúc mẹ còn, mẹ có buồn… vì con. Khi còn nhỏ, có lúc con bướng bỉnh cãi mẹ - dối cha, lớn lên rồi mải mê cuộc sống riêng tư… Để rồi thời gian thấm thoát thoi đưa, lưng mẹ còng, tóc bạc trắng mái đầu cha. Ở xa thi thoảng thăm nhà, hỏi thăm cha, mẹ qua loa gọi thì. Nay mẹ mất rồi lại vắng bóng cha, nhà bỗng lạnh lẽo làm con giật mình...

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”. Đâu đó vẫn còn những cá biệt, những người con “nghịch tử” phạm tội bất hiếu kính với cha, mẹ; mắng mẹ, chửi cha…có khi còn đánh cha, mẹ. Không ít những hoàn cảnh cha già, mẹ héo bị con cái bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc...Thật buồn với những lời than: “Một mẹ nuôi được mười con/ Mười con bỏ mẹ trong ngàn xót xa”, đúng là những nghịch cảnh trái ngang sao mà chua chát: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ, con kể tháng kể ngày”.

Đừng đợi đến tiết Vu Lan, những người làm con mới có dịp bày tỏ hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Báo hiếu không phải khi mẹ, cha đã khuất mới đến chùa… lễ bái, dâng cúng vật phẩm cầu kì. Quan trọng là lúc các bậc sinh thành còn sống, bản thân mỗi người chúng ta đã chăm sóc, quan tâm được những gì? Cần nhất tình cảm gia đình, ông bà, bố mẹ với cháu con, thương yêu, hiếu kính dưới - trên, ấy là báo hiếu Vu Lan, chứ đâu xa lạ phải toan tính gì. Hiếu kính đâu chỉ lễ nghi, dù cho tín ngưỡng, tôn giáo bất kỳ, quan tâm chăm sóc mới là đạo con.

Đạo hiếu được phản ánh qua những việc làm hàng ngày. Miếng ăn có nhớ mẹ, cha; giấc ngủ có nhớ ông bà, tổ tiên. Hiếu đễ đâu cần cầu kì, hỏi thăm sức khỏe, ngủ - ăn thế nào. Tuổi già đau yếu thất thường, trái tính, trái nết âu là tự nhiên. Rồi sau cũng đến lượt mình, con cháu phụng dưỡng sẽ nhìn noi theo. Chính là đạo hiếu Vu Lan - công cha, nghĩa mẹ khắc ghi cả đời!

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực