Bài 2: Cần trả lại những giá trị nguyên bản cho lễ hội

Thứ tư, 01/03/2017 09:58
(ĐCSVN) - Đầu xuân năm mới, mọi người tìm đến lễ hội như một mỹ tục để cầu mong sự may mắn, bình an. Song, hiện nay trong quan niệm của nhiều người, đi lễ hội để cầu tiền tài, danh vọng. Vì vậy, họ không ngại chen lấn, giành giật, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền để “mua bán”, “trao đổi” với thánh thần!

Bài 1: Lễ hội đầu xuân - Bức tranh đa sắc màu

Thực tế này đang đặt ra cho các nhà quản lý, giới nghiên cứu văn hoá và toàn xã hội nhiều vấn đề xung quanh việc phải làm gì để trả lại cho lễ hội những giá trị nguyên nghĩa vốn có?

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, hầu hết các lễ hội ở Việt Nam đều có xuất phát điểm gắn với nền sản xuất nông nghiệp; gắn với tư tưởng phồn thực, mong cầu mùa màng tốt tươi. Nói cách khác, các lễ hội đều xuất phát từ truyền thống văn hoá của dân tộc với chiều hướng tốt, hướng thiện và có hình thức thể hiện phong phú, đa dạng. Song, như đã phân tích ở bài viết trước, nhiều lễ hội ở nước ta hiện nay đang có biểu hiện đi “chệch hướng” với hàng loạt những hiện tượng phản cảm, biến tướng, phản văn hoá. Lý giải về thực trạng này, Đại tá, PGS.TS Đặng Sỹ Lộc, Trưởng khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), người có nhiều năm nghiên cứu về văn hoá, đạo đức cho rằng, nguyên nhân trước hết đó là do tác động của mặt trái kinh tế thị trường; tư tưởng thực dụng, “sòng phẳng” đang len lỏi trong suy nghĩ của nhiều người. Người xưa đã từng nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, xã hội phát triển, đời sống kinh tế được nâng cao, con người quan tâm nhiều hơn đến đời sống văn hoá tinh thần, trong đó có các hoạt động lễ hội. Nền kinh tế thị trường trở thành một trong những yếu tố có tác động sâu sắc đến lễ hội, làm cho lễ hội “nở rộ” ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhờ kinh tế thị trường mà không ít lễ hội, phong tục, nghi lễ… đã được khôi phục, phục dựng sau thời gian dài rơi vào quên lãng. Ở nhiều địa phương, việc phục dựng lại lễ hội đã giúp nâng cao sức hấp dẫn đối với khách du lịch; tăng doanh thu, đẩy chi phí phục vụ tăng thêm. Song, bên cạnh đó, những yếu tố tiêu cực của việc thương mại hóa, khi đồng tiền được đẩy cao hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí là sự “hồi sinh” của những hủ tục cũ, những biểu hiện mê tín dị đoan… Hệ quả là có không ít nét văn hoá, nét bản sắc truyền thống đã bị mai một cho dù lễ hội được phục dựng với quy mô “hoành tráng”.

Cùng với đó, cũng cần kể tới tâm lý tranh đua của không ít người, không ít địa phương với tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy”: Lễ hội năm sau phải to hơn năm trước; địa phương tổ chức sau sẽ làm lớn hơn địa phương tổ chức trước… Nhiều năm gần đây, dư luận đã không ít lần xôn xao trước những kỷ lục gắn liền với các lễ hội. Đây là biểu hiện sinh động cho tâm lý tranh đua và đi liền với đó là sự lãng phí một cách không đáng có. Ví dụ như có địa phương dâng cúng chiếc bánh nặng hơn 7 tạ trong khi tháng trước vừa mới đề nghị Chính phủ... hỗ trợ gạo cứu đói! Những kỷ lục "ăn theo" lễ hội kể trên không những gây tốn kém tiền bạc mà còn tạo nên những tiền lệ xấu, làm mất đi những giá trị nhân văn vốn có của các lễ hội.

Theo Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đi liền với những “mặt trái” của lễ hội thì cần đề cập đến nhận thức của người dân, ý thức của những người “trong cuộc”. Một số người tham gia lễ hội chỉ chú trọng mục đích cầu danh lợi mà gần như không chú ý đến giá trị nhân văn của lễ hội. Tại hội Lim (Bắc Ninh), hiện tượng các liền anh, liền chị biểu diễn, ngả nón nhận tiền của du khách vốn mặc nhiên tồn tại từ nhiều năm trước. Chỉ đến khi dư luận ồn ào phản đối, cả người tổ chức lẫn người biểu diễn mới giật mình. Mùa lễ hội năm nay, Ban Tổ chức đã có quy định cấm hoàn toàn hình thức này, song những ngày diễn ra chính hội, thay vì ngả nón nhận tiền, nhiều thuyền hát đã khéo léo chuyển thành việc dùng tráp để mời trầu và nhận tiền của du khách bỏ vào tráp. Bởi trong suy nghĩ của họ, việc du khách thưởng tiền cho liền anh, liền chị hát quan họ là chuyện bình thường… Hay như hành động mang tiền lẻ giắt vào tay tượng, rải đầy chân tượng, rải tiền lẻ xuống giếng nước… là cách nhiều người vẫn hay làm nhưng đã khiến cho đền phủ, chùa chiền, lễ hội giảm tính tôn nghiêm, linh thiêng. Giáo lý, giáo luật nhà Phật không khuyên con người làm thế. Cũng theo Hoà thượng Thích Gia Quang, lễ hội phải phản ánh được những gì là nét đẹp văn hóa, mang lại những điều lành mạnh cho cộng đồng. Mọi người nên đến với lễ hội bằng tấm lòng thành kính và trong sáng chứ không nên ứng xử theo lối thương mại hóa. Vì vậy, người xưa đến lễ hội, đến đền chùa chỉ mang theo một bó hương thơm; nắm xôi, cái oản nhỏ hay một vài sản vật đặc trưng của địa phương mình chứ không phô trương tiền tài như một số người hiện nay.



Những giá trị văn hoá truyền thống cần được chú ý bảo tồn trong tổ chức các lễ hội đầu xuân. (Ảnh: QĐ)

Ở một góc độ khác, việc để phát sinh những hiện tượng phản cảm, tiêu cực tại các lễ hội như những gì diễn ra trong thời gian qua, không thể không đề cập đến vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp và ngành văn hoá. Có thể nói, công tác quản lý Nhà nước đối với các lễ hội ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, Ban Tổ chức, Ban Quản lý lễ hội chưa cao, thiếu sức răn đe trong việc giải quyết các vấn đề tiêu cực phát sinh. Việc tuyên truyền về giá trị của di tích, lễ hội còn hạn chế. Vai trò quản lý của cơ quan văn hoá các cấp còn có biểu hiện bị buông lỏng, thiếu kiểm soát nhất là những hoạt động mang tính mê tín dị đoan trong lễ hội; năng lực, trình độ nghiệp vụ của cán bộ còn hạn chế…

Có thể thấy, các tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực, phản cảm và những biểu hiện biến tướng lễ hội, thương mại hóa đã làm cho nhiều lễ hội không còn nguyên nghĩa, làm mất giá trị văn hóa của lễ hội. Phần đông dư luận xã hội đều không đồng tình với những hiện tượng phản văn hóa, lệch chuẩn tại các lễ hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, để điều chỉnh, thay đổi và khắc phục tình trạng này là vấn đề không hề dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc một cách quyết tâm của nhiều lực lượng, nhiều cấp, nhiều ngành.

Để lễ hội nói chung và lễ hội đầu xuân nói riêng không còn những “gam màu tối”, việc quan trọng trước hết là phải xuất phát từ nhận thức của người dân, bởi lễ hội là hoạt động mang tính cộng đồng. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền để giúp người dân hiểu về những lễ hội mà mình tham gia: Nắm được nguồn gốc, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội; hiểu được đối tượng hành lễ là ai? Ý nghĩa nhân văn, văn hoá của lễ hội là gì?...  Trong bối cảnh có tới hơn 8.000 lễ hội diễn ra mỗi năm, công tác tuyên truyền cũng cần giúp cộng đồng nhận diện cho được lễ hội nào là thực sự cần thiết, có ý nghĩa truyền thống lâu đời và gắn bó với cộng đồng, qua đó sàng lọc và từng bước loại bỏ những lễ hội tổ chức theo kiểu lợi dụng vì mục đích thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền còn là cách thay đổi những nhận thức lệch lạc về danh lợi, tiền bạc… của một số người khi đến với lễ hội.

Song song với đó, cần phát huy tốt vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý và tổ chức các lễ hội. Cơ quan quản lý về văn hoá cần phối hợp chặt chẽ với các nhà nghiên cứu khoa học, nghệ thuật và những người làm công tác tổ chức để có thể phân biệt rõ giữa tín ngưỡng và mê tín, bản sắc truyền thống và hiện đại…, từ đó có ý kiến về mức độ khôi phục các nghi thức cũ đến đâu, thời gian, không gian, tế lễ, vấn đề công đức... Quá trình tổ chức lễ hội, chính quyền cần tôn trọng giá trị truyền thống, lấy ý nghĩa văn hóa lịch sử làm giá trị cốt lõi của lễ hội; tránh chạy theo lợi ích kinh tế trong tổ chức lễ hội. Công tác quản lý tại các địa phương cần chặt chẽ và đồng bộ để vừa không ảnh hưởng đến không gian của di tích, lại không đánh mất đi nét đẹp vốn có của lễ hội. Đơn cử như tại lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh), do làm tốt công tác tổ chức và chủ động đưa ra những điều chỉnh phù hợp nên năm nay những hiện tượng phản cảm đã hoàn toàn chấm dứt, người dân đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các quy định của lễ hội.

Một nội dung quan trọng khác trong khắc phục những biểu hiện “xấu” tại các lễ hội đó là cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định trong tổ chức, quản lý, điều hành lễ hội. Đây là vấn đề quan trọng, quyết định đến chất lượng tổ chức và giá trị bền vững của mọi lễ hội. Tuân thủ đầy đủ các quy định về cấp phép, tổ chức, quản lý sẽ là cơ sở để bảo đảm cho lễ hội thực sự có ý nghĩa nhân văn, phù hợp với truyền thống dân tộc. Được biết, thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch sẽ dừng tổ chức đối với những lễ hội đã được cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực; kiên quyết không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, dịch vụ đổi tiền lẻ… tại các di tích. Điều này khẳng định rõ quyết tâm đẩy lùi những tiêu cực vốn không còn là cá biệt ở các lễ hội.

Dù quy mô tổ chức lớn hay nhỏ, các lễ hội ở nước ta luôn luôn gắn với bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, phong tục tập quán của địa phương. Lễ hội đồng thời cũng là cơ hội để bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn đối với những bậc tiền nhân trong lịch sử và mong ước “quốc thái dân an”, cầu mong những điều tốt lành cho cá nhân, gia đình và xã hội. Trước những biểu hiện sai lệch đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các lễ hội, để những giá trị nguyên bản của các lễ hội được giữ gìn và phát huy, cần có những thay đổi cơ bản trong ý thức và hành vi của từng cá nhân khi tham gia lễ hội; thay đổi về cả tư duy nhận thức và hành động của các nhà quản lý văn hóa, lễ hội cũng như sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương… Đây chính là “lời giải” cho bài toán bảo tồn, phát triển những giá trị tinh hoa trong các lễ hội để vừa phù hợp với xu thế vận động của xã hội hiện đại vừa góp phần giáo dục những nét đẹp văn hoá truyền thống cho các thế hệ mai sau./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực