Bao giờ người dân tái định cư Thủy điện Sêrêpốk 3 mới an cư?

Thứ sáu, 22/09/2017 10:52
(ĐCSVN) - Để thi công Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3, 44 hộ dân với 167 nhân khẩu sống ở thôn Ea M’Tha 2, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đã chấp nhận di dời nhà cửa đến khu tái định cư thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl.
Sau gần 8 năm di dời tái định cư, người dân khu tái định cư thôn Tân Phú
vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thế nhưng gần 8 năm nay, kể từ khi chuyển đến nơi ở mới, các hộ dân vẫn chưa thể an cư do chính quyền địa phương chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Người dân gặp nhiều khó khăn trong vay vốn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Hoàng Quyến, trưởng thôn Tân Phú cho biết: Năm 2010, thực hiện chủ trương của Nhà nước giao đất để Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3, ông Quyến và 43 hộ dân thôn Ea M’Tha 2 đã di dời về khu tái định cư rộng 1,76 ha tại thôn Tân Phú, xã Ea Nuôi, cạnh Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 3. Mỗi hộ được cấp 400m đất ở, hơn 2ha đất sản xuất. Tổng công ty phát điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cũng xây dựng cho các hộ dân tái định cư nhà ở, trường mẫu giáo, công trình nước sạch và đường giao thông. Theo ông Quyến, khu tái định cư mới được xây dựng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện cho người dân sinh sống sau khi di dời tái định cư. Tuy nhiên, niềm mong mỏi lớn nhất của người dân là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đến nay vẫn chưa có.

Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl bức xúc: “Trước đây, gia đình tôi sống ở thôn Ea M’Tha 2 đất đai màu mỡ. Tôi trồng 2 ha cây điều, chăn nuôi thêm gia súc, thu nhập mỗi năm thu nhập từ 100 triệu đồng. Từ khi chuyển đến nơi ở mới, ngoài 400 m đất ở, gia đình được cấp 2,1 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, diện tích đất cấp cho gia đình là đất đá pha cát, thiếu nước tưới về mùa khô. Để trồng được cà phê và hoa màu phải sắm nông cụ “đào xốc” lại đất, mua đất đỏ về đổ trên lớp mặt, chi phí cải tạo đất rất cao.

Theo anh Hùng, người dân tái định cư không có tài sản nào khác ngoài đất. Vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên nhiều năm liền, gia đình anh phải “vay nóng” tiền mặt lãi cao, mua nợ phân bón chăm sóc vườn cà phê. Anh Hùng mong muốn địa phương sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân được được hưởng quyền lợi vay vốn, đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.  

Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl - ông Lê Văn Quyết xác nhận 44 hộ dân tái định cư thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xã đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk sớm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhưng đến nay, kiến nghị của địa phương vẫn chưa được giải quyết.

Nguyên nhân chậm trễ này là do UBND huyện Buôn Đôn khi lập phương án bồi thường, tái định cư từ (năm 2005) không đề cập đến việc đơn vị thi công dự án hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với 44 hộ dân tái định cư.

Đến năm 2013, sau khi Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3 hoàn thành đưa vào vận hành được một thời gian, huyện Buôn Đôn mới phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất khu tái định cư Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3. Theo đó, huyện Buôn Đôn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ tiền sử dụng đất ở đối với 44 hộ dân tái định cư là 2,612 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Trần Văn Khánh - đơn vị được giao quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk) cho biết: Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty phát điện 3, kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk không thu tiền sử dụng đất đối với 44 hộ dân thuộc diện tái định cư.

Sau nhiều lần thương thảo, UBND huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk và đơn vị thi công Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3 vẫn không thống nhất được việc hộ trợ tiền sử dụng đất nên huyện Buôn Đôn không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 44 hộ dân tái định cư.

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đắk Lắk - ông Cao Quy Diễn cho biết: “Theo quy định tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP, ngày 3 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở tái định cư tại Khu tái định cư Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3, không thuộc trường hợp được miễn giảm tiền sử dụng đất. Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, trước hết là do đơn vị thực hiện dự án khi đầu tư công trình không tính toán đến phương án bồi thường phần chênh lệch giá trị đất nơi ở và nơi đến. Thứ hai, trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Buôn Đôn phê duyệt không đề cập đến việc hỗ trợ tiền sử dụng đất. Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đốc thúc UBND huyện Buôn Đôn sớm hoàn thành việc định lại giá đất tại thời điểm giao mặt bằng đất ở tái định cư Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3 (năm 2008), phối hợp với đơn vị thi công thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất; khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tránh để xảy ra khiếu nại”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Dương Văn Xanh cho biết, sau khi định lại giá đất, huyện Buôn Đôn đã đề xuất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ tiền sử dụng đất tái định cư đối với 44 hộ dân thôn Tân Phú là 704 triệu đồng (tiền chênh lệch đất nơi ở và nơi đến). Nếu được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất, huyện sẽ làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong năm 2017 này.

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk và đơn vị thực hiện dự án cần sớm thống nhất về phương án bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để họ yên tâm lao động, sản xuất./.

Bình Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực