BOT giao thông: Quyền lợi người dân bị bỏ quên?

Thứ tư, 08/03/2017 21:24
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, các dự án BOT giao thông được thực hiện ồ ạt nhưng thiếu minh bạch và bộc lộ rõ những bất cập khiến quyền lợi của người dân phải chăng có dấu hiệu bị bỏ quên?

 

Bảng thu cước phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh VH

Kiểm toán Nhà nước mới đây đã cho biết, nhiều dự án trong số 27 dự án BOT giao thông được kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng các dự án giảm tới gần 100 năm thu phí, khiến dư luận hoài nghi về lợi ích xung quanh các dự án BOT.

Tại Tọa đàm "Chính sách, pháp luật và hiệu quả từ các dự án BOT" tổ chức hồi tháng 5/2016, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng thừa nhận: Hiện nay, đầu tư các dự án BOT đối với đường cao tốc rất ít, mà chủ yếu đang đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có. Nếu đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có thì người dân không còn lựa chọn kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí do Nhà nước đầu tư mà buộc phải trả phí cho các doanh nghiệp BOT.

Điều đáng nói là các tuyến đường cũ này trước khi đầu tư theo hình thức BOT đã được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách - tiền thuế do dân đóng góp. Chủ đầu tư chỉ làm lại mặt đường, xây hệ thống cống thoát nước … rồi nghiễm nhiên thu phí của người dân.

Để tranh thủ thu phí, không ít chủ đầu tư còn tìm cách cắm biển cấm ô tô đi vào các đường dọc theo tuyến đường đang thu phí. Thậm chí, ngay cả cơ quan chức năng cũng nhanh chóng “lấp lối” vào đường cũ bằng những khối bê tông, dải phân cách cố định, biển báo cấm ô tô với lý do có vẻ rất chính đáng: Đường đã xuống cấp(!?). Điều này vô tình đã làm mất quyền lựa chọn đi đường cũ của người dân và người "đắc lợi" chính là các chủ đầu tư BOT giao thông.

Trước những bất cập trên, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã từng đề nghị, Nhà nước cần đảm bảo quyền được lựa chọn sử dụng đường BOT hay đường từ ngân sách quốc gia cho người dân. Đồng thời, nên quy định cụ thể trường hợp nào, tuyến đường nào thì được thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, không nên ồ ạt áp dụng đầu tư BOT như hiện nay. Ví dụ, trên một khoảng cách nhất định phải có ít nhất hai tuyến đường thì mới có một tuyến được thực hiện BOT, để người dân thấy đường nào có lợi hơn, phù hợp với khả năng tài chính của mình để lựa chọn.

Về mức phí cũng cần có quy định riêng dành cho người địa phương nơi đặt trạm thu phí. Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài các dự án đường cao tốc thu phí tính theo độ dài chặng đường mà phương tiện đi qua, các dự án còn lại không hề căn cứ vào độ dài quãng đường phương tiện đi qua, cứ qua trạm thu phí là phải trả tiền như nhau. Điều này dẫn đến thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nơi đặt trạm thu phí. Hàng ngày, họ chỉ đi đoạn đường ngắn qua trạm thu phí nhưng vẫn phải trả phí cao như người đi đường dài.

Liên quan đến phí, Bộ Giao thông vận tải từng khẳng định, mức phí mà các phương tiện phải trả là không cao, tuy nhiên Bộ lại không công bố minh bạch cơ sở hình thành mức phí đó, không làm rõ được cơ sở hình thành phí tham gia giao thông trên đường BOT đầu tư mới và đường BOT nâng cấp để người dân thực hiện quyền giám sát khi họ bỏ tiền đi trên những tuyến đường này. Trong vận hành, khai thác cũng chưa kiểm soát tốt lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí. Trong khi đây là tiêu chí quan trọng để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT.

Để đảm bảo thời gian thu phí hợp lý, cơ quan chức năng còn phải tính toán chính xác được chi phí thực hiện dự án BOT ở mức cần thiết nhất. Thực tế hiện nay, đa phần các dự án BOT là dựa trên đề xuất của doanh nghiệp, sau đó Bộ duyệt, hoặc chỉ định thầu. Chính điều này cùng với việc không kiểm soát tốt lượng phương tiện qua trạm thu phí dễ dẫn đến tình trạng khai khống để tăng thời gian thu phí, tăng mức phí khiến người dân bị biến thành "túi tiền" để doanh nghiệp BOT tận thu. Kết quả kiểm toán tại 27 dự án với tổng số thời gian thu phí cần phải rút ngắn lên tới gần 100 năm là một điển hình.

Thiết nghĩ, BOT là hình thức sáng tạo trong xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng kết quả kiểm toán mới đây cùng với một số bất cập trong thực tiễn đang cho thấy một số vấn đề trong việc áp dụng hình thức đầu tư này.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần sớm đưa ra những chấn chỉnh để các dự án BOT vừa phát huy được ý nghĩa xã hội, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp đầu tư./

Bùi An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực