Cần nghiêm trị "đinh tặc"!

Thứ bảy, 10/06/2017 01:20
(ĐCSVN) - Rợn người là cảm giác khi chúng ta tận mắt nhìn thấy bàn chông tự chế, với những mũi chông nhọn hoắt, sắc lẹm đã làm thủng lốp chiếc ô tô tại địa phận xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) được tài xế chia sẻ cảnh báo ngày 7/6 vừa qua. Đã đến lúc pháp luật cần có biện pháp mạnh tay trừng trị nghiêm những hành vi nguy hiểm này.

Bàn chông tự chế do một tài xế ở Tuyên Quang chia sẻ lên mạng để cảnh báo mọi người. (Ảnh: cand.com.vn)

Trước vụ việc ở Tuyên Quang, ngày 16/3, mạng xã hội từng xôn xao về việc có rất nhiều đinh được đóng vào những tấm xốp rồi rải trên quốc lộ 37 (đoạn qua huyện Mai Sơn, Sơn La) để bẫy các phương tiện tham gia giao thông .

Sau khi vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với Công an huyện Mai Sơn xác định bắt giữ được 4 “đinh tặc” đều trú tại huyện Thuận Châu. Theo khai nhận của các đối tượng, do mâu thuẫn trong làm ăn kinh doanh vận tải nên đã đóng đinh vào tấm xốp rồi rải trên đường để bẫy xe đối phương. Tuy nhiên, hành vi trên còn gây nguy hiểm cho tất cả các phương tiện khác trên đường, đặc biệt là với xe chở khách và xe gắn máy.

Chúng ta hẳn còn chưa quên vụ tai nạn xe tải thảm khốc xảy ra vào ngày 7/3/2016, khi chiếc xe tải chở đầy hàng đông lạnh chạy từ TP.Hồ Chí Minh đi Bình Phước với tốc độ khá cao thì bị nổ lốp trước. Tài xế không làm chủ được tay lái, tông thẳng vào xe đầu kéo nằm bên trái lề đường. Hậu quả làm 3 người trên xe trong đó có lái xe tử vong tại chỗ, còn chiếc xe biến dạng nát vụn. Nguyên nhân nổ lốp được cơ quan chức năng xác định là do cán phải đinh trên đường.

Có thể nói, những bàn chông tự chế chắc chắn và lợi hại thực sự là nỗi kinh hoàng với tất cả cánh lái xe khi chạy ô tô với tốc độ cao mà không may xe cán phải đinh, nhất là cán phải ở bánh trước. Bởi họ đã biết rõ kết quả tồi tệ đến mức nào khi mất lái, hoặc lật xe bất ngờ. Hơn nữa, nếu những bàn chông, thảm đinh nguy hiểm trên mà gây họa cho các phương tiện, nhất là xe khách thì hậu quả sẽ còn vô cùng khó lường.

Với bản thân mỗi cá nhân mỗi người, ai đã từng không may cán phải đinh trên đường sẽ thấu hiểu nỗi bức xúc, căm giận những kẻ rải đinh bất lương. Thậm chí có những người thiếu may mắn không còn cơ hội để bức xúc nữa vì họ phải ra đi mãi mãi vì những tai nạn không đáng có.

Việc rải đinh trên đường gây tai nạn cho phương tiện, uy hiếp tính mạng người khác đã diễn ra từ lâu. Và nay nó đang thực sự trở thành một vấn nạn khi mà ngày càng xuất hiện nhiều thủ đoạn, biến tướng cũng như tần suất xuất hiện.

Nếu như trước đây chỉ là những chiếc đinh đơn, những lá thép thô sơ được rải ra lòng đường thì nay những chiếc đinh, những bàn chông tự chế đã được nghiên cứu, cải biến liên tục nhằm tăng độ “chắc chắn - lợi hại” để phá lốp của các phương tiện trên đường. Điều đó cho thấy kẻ xấu ngày càng ngông cuồng, bộc lộ rõ thái độ bất chấp pháp luật, có hành vi gây nguy hiểm đến cùng cho người và phương tiện giao thông.

Đã có rất nhiều "đinh tặc" bị cơ quan chức năng điều tra bắt giữ, nhưng lòng tham từ nguồn thu bất chính khiến các đối tượng mờ mắt, hoặc chỉ vì là động cơ trả thù hèn hạ trong cạnh tranh làm ăn, một số kẻ xấu đã bất chấp tất cả để thực hiện dù biết rõ hành vi rải đinh bẫy người và phương tiện đi đường sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến chết người. Và từ thực tế nhiều vụ tai nạn đã chứng minh, hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người đi đường mà không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Một chiếc lốp ô tô bị thủng do cán phải đinh. (Ảnh: cand.com.vn)

Những “đinh tặc” đang có hành vi gián tiếp giết người  – chúng sẽ chẳng có lý lẽ gì có thể biện minh cho hành vi tội ác này. Để chống lại “đinh tặc”, xã hội đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức suốt nhiều năm qua, nhiều địa phương dọc các tuyến lộ lớn phía nam đã phải thường xuyên tổ chức rò hút đinh để phòng tránh cho người đi đường. Việc bắt được tận tay những kẻ rải đinh là rất khó, bởi chúng hoạt động ngày càng tinh vi. Và đa số các sự việc bị phát giác là do quần chúng nhân dân phục bắt.

Rải đinh, đặt bàn chông bẫy trên đường là hành vi giết người. Tuy nhiên chế tài xử lý hành vi trên hẳn còn chưa đủ độ răn đe khi một số tình tiết tăng nặng, hình sự hóa, tăng hình phạt tù lên 12 năm được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 chưa được thông qua. Do đó, những kẻ giết người dưới danh nghĩa “đinh tặc” vẫn có cơ hội nhởn nhơ, coi thường luật pháp. Bởi theo chế tài xử lý cũ, hành vi trên chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc xử lý hành chính.

Cạnh đó phải kể đến cơ quan chức năng có nhiệm vụ quản lý địa bàn còn thiếu sự sâu sát, tập trung, xử lý vấn đề từ gốc. Bởi ai cũng biết rằng mọi sự việc đều có nguồn cơn của nó. Tồn tại, và tái diễn hành vi rải đinh bẫy xe rõ ràng không ngoài động cơ trục lợi của các tiệm sửa chữa vá xe dọc các tuyến đường, hoặc vấn đề quản lý, điều tiết trong hoạt động giao thông bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong hoạt động vận tải hàng hóa phát sinh ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị và làm “cái sảy nảy cái ung”.

Thiết nghĩ từ các vấn đề đã nêu trên, chúng ta cần có các biện pháp, chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa với hành vi rải đinh trên đường. Những hành vi của "đinh tặc" là những hành vi giết người, luật pháp cần bổ sung các chế tài riêng để xử lý hiệu quả các hành vi này. Đối với các đối tượng đinh tặc bị phát giác, cần có hình thức xử lý nghiêm nhằm tăng tính giáo dục răn đe. Giải pháp trước mắt, các địa phương cần tiếp tục tăng cường các hoạt động phòng chống "đinh tặc" và hỗ trợ, cứu hộ phương tiện trên đường để hạn chế thiệt hại do đinh tặc gây ra, vì sự an toàn của người tham gia giao thông./.

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực