Cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch sốt xuất huyết

Thứ hai, 25/09/2017 16:20
(ĐCSVN) - Tuy chưa vào quý IV nhưng năm 2017 được đánh giá là năm gia tăng các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Từ nay đến cuối năm, để giảm thiểu những tác hại do căn bệnh nguy hiểm này gây ra, đòi hỏi ngành y tế và các địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh...

Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết

So với các năm trước, năm nay, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện sớm hơn và đã phát triển thành dịch ở một số địa phương. Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh, thành phố, trong đó có 26 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Tại khu vực miền Bắc, nhất là trên địa bàn TP. Hà Nội, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp với hơn 27.700 trường hợp mắc, 7 trường hợp tử vong... Đặc biệt, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển.

Theo Cục Y tế dự phòng, sở dĩ có sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua trên cả nước là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước. Tại khu vực miền Nam, nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đã dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh. Đồng thời, sự chủ động, phối hợp của người dân và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao. Việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều người dân còn có tâm lý chủ quan, thiếu chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết; tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn về kinh phí, một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch dẫn đến khả năng miễn dịch cộng đồng giảm...

Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh có thể phát triển thành dịch lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Việc xét nghiệm sốt xuất huyết và chẩn đoán còn gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ nhầm lẫn với những bệnh khác như sốt rét, sốt thương hàn, bệnh leptospirosis. Để xác định bệnh sốt xuất huyết cần tìm hiểu về tiền sử bệnh, môi trường sống và các triệu chứng lâm sàng điển hình của sốt xuất huyết. Hiện nay đã có tới 4 chủng vi-rút sốt xuất huyết lưu hành là Dengue 1, 2, 3 và 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi-rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch với chủng vi-rút đó, mà không có khả năng miễn dịch với những chủng vi-rút còn lại. Do vậy, một người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết tới... 4 lần trong đời.

Phun hoá chất diệt muỗi tại các điểm có nguy cơ cao ở Hoàng Mai, TP. Hà Nội. (Ảnh: TL)

Bệnh sốt xuất huyết không từ một ai khi chưa có miễn dịch đối với vi-rút Dengue. Vì vậy, ở mọi lứa tuổi, khi chưa có miễn dịch với vi-rút Dengue thì đều có thể mắc bệnh này. Qua các điều tra, nghiên cứu cho thấy, ở những địa phương có dịch sốt xuất huyết lưu hành quanh năm thì trẻ em dễ mắc bệnh này hơn người lớn do người lớn đã có miễn dịch qua các lần mắc bệnh trước đó (nếu dịch xảy ra lần này cùng typ huyết thanh với lần trước đó). Những vùng và địa phương lần đầu có bệnh sốt xuất huyết thì mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh (vì chưa có miễn dịch với vi-rút Dengue). Bệnh sốt xuất huyết dù là người lớn hay trẻ em khi mắc bệnh đều rất nguy hiểm, đặc biệt là loại sốt xuất huyết gây sốc. Người bệnh nghi nhiễm sốt xuất huyết có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm cần thiết khác nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Thực tế những diễn biến của dịch sốt xuất huyết từ đầu năm tại nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, tính chủ động của cộng đồng dân cư có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn sự bùng phát của bệnh sốt xuất huyết. Do vậy, để việc ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết thực sự có được hiệu quả, vấn đề đầu tiên đặt ra hiện nay đối với ngành y tế và chính quyền các cấp đó là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về bệnh sốt xuất huyết thông qua tăng cường các biện pháp truyền thông phòng bệnh.

Theo đó, các cá nhân, các hộ gia đình cần tích cực tham gia trong đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết. Phải loại trừ ổ bọ gậy và loăng quăng ở những dụng cụ chứa nước tạm thời trong nhà và xung quanh nhà như bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ, chai, lọ, chum vại vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa, các nơi chứa nước tự nhiên ở hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa, các hố ga ngăn mùi, bể cây cảnh... Chủ động bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt, phòng, chống muỗi và xua diệt muỗi bằng nhiều biện pháp thông thường như dùng lưới chắn muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày; dùng hương xua muỗi, bình xịt muỗi, vợt điện...

 Tập trung phun hoá chất diệt muỗi tại các điểm có nguy cơ cao

Đây được coi là biện pháp quan trọng góp phần ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết. Việc phun hóa chất diệt muỗi phải được thực hiện thường xuyên tại những nơi có nguy cơ cao như trong nhà, chợ, bệnh viện, trường học... Trong đó, bệnh viện chính là ổ truyền nhiễm nguy hiểm nên 100% bệnh viện và trạm y tế phải được phun hóa chất diệt muỗi. Được biết, Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ các địa phương 10.220 lít hóa chất diệt muỗi, 3.250 bộ trang phục phòng chống dịch, 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng muỗi và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng.

Thời gian tới, ngành y tế cần tiếp tục phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, khu vực có chỉ số giám sát véc-tơ cao; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý ngay và triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý triệt để; đẩy mạnh hoạt động của các đội xung kích phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn toàn thành phố trong việc loại bỏ ổ bọ gậy nguồn. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành, có thể huy động thêm các ban ngành như: Khối công an, quốc phòng; ngành xây dựng, ngành tài nguyên môi trường và chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng; ngành giáo dục tăng cường huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) tại gia đình, ký túc xá, nhà trọ sinh viên, đặc biệt là vào thời điểm sinh viên các trường cao đẳng, đại học nhập học...

Theo thống kê, từ đầu tháng 9 đến nay, tình trạng diễn biến của bệnh sốt xuất huyết đã được các địa phương khống chế, số ca mắc bệnh giảm mạnh so với tháng 8. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm là thời điểm được dự báo là thời tiết sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp tạo thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết có điều kiện bùng phát trở lại. Do đó, để chăm sóc, bảo vệ tốt sức khoẻ của người dân, các cấp chính quyền và ngành y tế cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trên cơ sở phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng; trọng tâm là nêu cao sự chủ động, tích cực của cộng đồng dân cư./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực