Điều tất yếu đã được cảnh báo trước...

Thứ năm, 27/04/2017 09:00
(ĐCSVN) - Được biết đến như là một trong những công ty đa cấp lớn nhất Việt Nam, mới đây, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã xin ngừng hoạt động kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ở đây là quyền lợi của nhiều người tham gia đầu tư...

 

Khá đông người dân tìm đến trụ sở Thiên Ngọc Minh Uy tại Cầu Giấy (Hà Nội).

Hoang mang, lo lắng....

Đó là tâm trạng chung của phần lớn khách hàng trước việc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ngừng hoạt động kinh doanh đa cấp. Theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi hàng loạt những sai phạm của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy được công bố, Công ty này đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để Công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.

Ngay khi thông tin này được truyền đi đã tác động lớn đến hàng vạn người là thành viên, hội viên trong những chi nhánh của Thiên Ngọc Minh Uy tại các tỉnh, thành. Theo thống kê, lúc cao điểm nhất, mạng lưới kinh doanh đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy đã có mặt tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng người tham gia dưới nhiều hình thức, ước tính lên tới hơn 1 triệu lượt người.

Ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 25/4, tại trụ sở chính của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ở A6/D11-A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội), mọi hoạt động vẫn diễn ra tương đối bình thường. Chỉ khác là số lượng bảo vệ đã được tăng cường nhiều hơn. Công tác kiểm tra cũng khá chặt chẽ khi bảo vệ chỉ cho những ai có thẻ thành viên, hội viên vào phía trong trụ sở. Được biết, hai ngày gần đây đã có nhiều người ở các tỉnh về trụ sở để xin rút tiền.

Ông Nguyễn Văn Hanh, bộ đội về hưu ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã dốc hầu hết số tiền tích cóp của bản thân là hơn 400 triệu đồng để mua các mã sản phẩm của Thiên Ngọc Minh Uy. Sau 2 năm, ông nhận được gần 50 triệu đồng và những lời hứa của lãnh đạo công ty....  Ông Hanh chia sẻ: “Giờ tôi không cần tiền lãi, chỉ mong lấy lại được số tiền đầu tư ban đầu đã là phúc lắm rồi!”.

Còn em Trần Thị Huyền Trang, sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn thành phố Bắc Ninh cũng đang hết sức lo lắng trước tin Thiên Ngọc Minh Uy ngừng kinh doanh đa cấp. Nghe theo tư vấn, đầu tháng 2 vừa qua, Trang đã đi cầm xe máy, vay tiền bạn bè để tham gia mua sản phẩm. Giờ chưa được nhận đồng lợi nhuận nào thì gần 20 triệu đồng đầu tư của Trang đang đứng trước nguy cơ mất trắng...

Gặp chúng tôi ngay gần cổng Công ty, chị Hoàng Thị Ánh ở Vĩnh Phúc chia sẻ: “Tôi đã giấu chồng con đi cầm cố căn nhà của gia đình để có hơn 2 tỷ đồng tham gia bán hàng đa cấp. Hôm nay về đây xin chấm dứt hợp đồng nhưng họ chỉ hướng dẫn làm đơn và yêu cầu đợi thêm thời gian để xử lý. Nếu không lấy lại được tiền, không biết gia đình tôi sẽ sống ra sao?”.

Những lo lắng của các thành viên trong mạng lưới bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy là hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế, đã có nhiều công ty đa cấp sau khi ngừng hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp đã không đảm bảo các quyền lợi cho người tham gia bán hàng nên đã xảy ra tình trạng tụ tập, khiếu kiện đông người tại một số địa phương. Không ít nạn nhân do quá bế tắc, tuyệt vọng vì không thể lấy được quyền lợi từ đa cấp đã tự tìm tới cái chết như một sự giải thoát...

Khách hàng thất vọng ra về khi yêu cầu rút tiền không được đáp ứng.

 

Thêm hồi chuông cảnh tỉnh cho những người muốn “giàu siêu tốc”

Thực tế, không phải đến bây giờ, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông mới cảnh báo người dân về hàng loạt những nguy cơ khi tham gia kinh doanh đa cấp. Trước đây cũng đã có hàng triệu người trở thành nạn nhân của những công ty đa cấp như: Liên kết Việt, Liên minh Tiêu dùng Việt Nam… Điểm chung nhất mà những công ty kinh doanh đa cấp thường khai thác ở khách hàng, người tham gia đầu tư là tâm lý muốn “giàu siêu tốc”, muốn thu lợi nhuận lớn trên số tiền bỏ ra nhưng… không phải làm gì(?!).

Đối với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, từ nhiều năm nay đã phát sinh hàng loạt đơn thư khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp cho Công ty này. Chỉ tính trong năm 2016, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp đã thực hiện 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng. Gần đây nhất, trước khi xin ngừng hoạt động kinh doanh đa cấp, Thiên Ngọc Minh Uy cũng đã bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ban hành quyết định xử phạt 215 triệu đồng do có nhiều hành vi vi phạm như: Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định pháp luật; duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; không thông báo với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp; kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa...

Theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, sau khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn An Bình, Văn phòng Luật sư Hồng Hà (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp, các công ty kinh doanh đa cấp phải giải quyết quyền lợi cho toàn bộ các cá nhân, tổ chức đã tham gia vào hệ thống khi tuyên bố tạm dừng kinh doanh hoặc bị rút giấy phép kinh doanh đa cấp. Song, trên thực tế, việc để bảo đảm quyền lợi cho những cá nhân của các công ty này là rất khó thực hiện trong hoàn cảnh công ty đã ngừng hoạt động kinh doanh đa cấp. Vì vậy, nhiều khả năng, những khách hàng đã bỏ tiền tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp sẽ là những người bị thiệt thòi lớn nhất”.

Liên quan đến thông tin sau khi ngừng kinh doanh đa cấp, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy có thể “tái sinh” dưới hình thức một công ty khác, luật sư Nguyễn An Bình chia sẻ thêm: "Việc xin thành lập một công ty và xin giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp là việc pháp luật không cấm nhất là khi nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu về hồ sơ, pháp lý. Cách duy nhất để ngăn chặn vấn nạn đa cấp lừa đảo là cần bổ sung, hoàn thiện hàng lang pháp lý. Pháp luật nên quy định rõ là cấm có thời hạn (20 năm) hoặc cấm vĩnh viễn việc tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp đối với những doanh nghiệp, cá nhân đã có hành vi lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh này".

Việc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy với hệ thống chi nhánh tại 23 tỉnh, thành và hơn 25 vạn người được cấp các mã thành viên, xin dừng hoạt động kinh doanh đa cấp thực sự là “cú sốc” với hàng chục vạn người. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét, có biện pháp giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với công ty Thiên Ngọc Minh Uy nếu không  giải quyết thấu đáo quyền lợi cho khách hàng./.

Tạ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực