Du xuân an toàn!

Thứ tư, 13/02/2019 15:33
(ĐCSVN) - Mỗi dịp mùa lễ hội, chúng ta thường bị ám ảnh bởi những sự vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Dường như mỗi dịp này, tai nạn giao thông thường tăng đột biến so với các thời điểm khác trong năm.
Hiện trường chiếc xe khách tông ô tô 7 chỗ khiến 8 người thương vong mùng 4 Tết ở Thanh Hóa.
Ảnh: vtv.vn

Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông làm chết 183 người, bị thương 241 người. Bình quân số người chết trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 20 người/ngày. Quốc lộ 1A xảy ra nhiều tai nạn hơn cả với 17 vụ làm chết 21 người.

Nước ta có hàng nghìn lễ hội diễn ra trong năm, đặc biệt trong dịp đầu Xuân rất nhiều lễ hội lớn tổ chức khai hội khiến nhu cầu du xuân của người dân tăng cao đột biến, do đó lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường gia tăng, đây cũng là thời điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.

Hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ tại địa phương Thanh Hóa và Bắc Giang, làm 6 người chết và ba người bị thương trong những ngày đầu năm mới, đến giờ này hẳn vẫn khiến không ít người phải trăn trở, xót xa. Tuy nhiên tai nạn giao thông luôn là nỗi đau không của riêng ai, nên việc chủ động đề phòng sẽ góp phần hạn chế, giảm thiểu các tai ương đáng tiếc.

Một trong các nguyên nhân chính gây ra tai nạn là do tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích, ý thức chấp hành luật kém khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài việc sử dụng chất kích thích, với người lái xe máy thường vi phạm lỗi chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, thiếu quan sát khi qua đường và vào đường rẽ. Do đặc thù là dịp lễ hội ngày đầu xuân nên việc từ chối chén rượu trở thành vấn đề với không ít người. Và chỉ vì vui, vì cả nể mấy chén rượu mà hệ lụy là các tai họa đáng tiếc.

Cạnh đó, việc di chuyển liên tục trên các chuyến du xuân cùng lưu lượng phương tiện dày đặc khiến các tài xế đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng phát sinh trên đường. Và chỉ một vài giây ngủ gật, mất bình tĩnh, mọi sự đã có thể xảy ra, gây hậu quả đáng tiếc không có cách nào để cứu vãn được.

Hơn nữa, các lễ hội lại diễn ra khắp các vùng miền trên cả nước, đồng bằng có, miền núi có…nên có hiện tượng các tài xế không thông thuộc đường xá, địa hình, nhất là các địa bàn vùng cao có nhiều đường đi quanh co, hiểm trở khiến tài xế gặp nhiều khó khăn trong việc làm chủ tay lái, tốc độ.

Một yếu tố khác, hiện chúng ta còn hạn chế về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát; hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải hợp đồng du lịch. Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được sự tăng nhanh về lượng phương tiện, nhất là ô tô như hiện nay. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, còn có hiện tượng cả nể trong dịp dịp lễ tết nên lực lượng chức năng ở một số địa phương có dấu hiệu thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm giao thông.

Đi thực tế tại các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang những ngày gần đây, chúng tôi ghi nhận nếu di chuyển vào các địa bàn hẻo lánh còn xảy ra hiện tượng xung đột kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành luật giao thông. Cụ thể, với một bộ phận người dân vùng đồng bào họ điều khiển phương tiện theo cảm tính, đi đường quốc lộ mà như “đường nhà mình”, nhiều tình huống vượt xe, trách phương tiện ngược chiều không tuân thủ quy tắc giao thông khoa học, kỹ năng xử lý tình huống của người bản địa còn hạn chế khiến các tài xế, đặc biệt là lái xe du lịch và xe chở du khách đi du xuân mất bình tĩnh, luống cuống, hệ lụy là các tai nạn không đáng có.

Thiết nghĩ, để góp phần tích cực vào việc giảm thiểu các nguy cơ gây tai nạn giao thông dịp lễ hội đầu năm, lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa trong việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền về pháp luật giao thông nói chung, đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các địa phương, đặc biệt các vùng có các lễ hội lớn cần tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành, tăng cường hướng dẫn thông tin đi lại dịp lễ hội xuân; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng đến các khu vực có sự kiện lễ hội...

Du xuân, đi lễ hội đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của nhiều người dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi mật độ người và phương tiện tăng đột biến lại chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông thì trước tiên mỗi người dân, mỗi tài xế hãy tự bảo vệ tính mạng chính mình và đảm bảo an toàn cho người khác bằng việc chủ động nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông khi điều khiển phương tiện trên đường./.

Tuấn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực