Hà Nội: Nên rà soát, điều chỉnh chu kỳ tín hiệu đèn giao thông trên một số nút giao cắt

Thứ tư, 15/02/2017 18:51
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, người tham gia giao thông trên địa bàn thủ đô thường xuyên phải chứng kiến sự bất hợp lý của tín hiệu đèn giao thông trên một số nút giao cắt trên địa bàn thành phố.

Trao đổi cùng phóng viên về tín hiệu đèn giao thông tại nút giao ngã tư Giảng Võ – Lê Văn Lương – đường Láng, tài xế xe tải Trần Ngọc Minh (Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Tín hiệu đèn xanh tại đây chỉ có 14 giây là quá ngắn với một nút giao cắt có đông người qua lại. Kể từ khi tuyến xe buýt nhanh BRT bắt đầu hoạt động thì một số loại phương tiện không được lên cầu vượt trong những giờ cao điểm, mỗi khi qua nút giao cắt này tôi phải đi phía phần đường bên dưới. Trong khi tín hiệu đèn xanh tại đây chỉ có 14 giây, sau đó lại đợi đèn đỏ tới 90 giây mới được đi tiếp. Mỗi lần qua đây tôi mất tới hơn 10 phút mới di chuyển qua được qua nút giao, đó là khi đường còn thoáng, những khi đường đông có khi phải mất  tới 15 - 20 phút.”


Tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên từ phía Hào Nam đi ra nút giao thông
 Cát Linh - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Hào Nam. (Ảnh: Vũ Hoàng)

Đèn tín hiệu giao thông là một thiết bị được dùng để điều khiển giao thông ở những giao lộ có lượng phương tiện lưu thông lớn (thường là ngã ba, ngã tư đông xe lưu thông). Đây là một thiết bị mang lại sự an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, giúp giảm ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm. Được lắp tại tâm của giao lộ hoặc trên vỉa hè, đèn tín hiệu giao thông có thể hoạt động tự động hay do cảnh sát giao thông điều khiển.

Tìm hiểu xung quanh những phản ánh về tín hiệu đèn giao thông trên địa bàn Hà Nội, phóng viên đã có mặt tại nút giao thông ngã năm Cát Linh - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Hào Nam trong buổi sáng đầu tuần. Theo quan sát, tình hình giao thông tại thời điểm không quá phức tạp, các hướng đi từ hướng Cát Linh, Giang Văn Minh đi ra Giảng Võ khá thông suốt, lượng xe qua lại tuy lớn nhưng không diễn ra tình trạng ùn tắc ở các hướng đi này, điều này cũng diễn ra tương tự tại hướng đi theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, ở hướng đi từ phía Hào Nam đi ra các hướng đường còn lại thì diễn ra tình trạng hoàn toàn ngược lại, hàng dài ô tô, xe máy nối đuôi nhau nhích từng chút để đi qua đoạn giao cắt này. Mặc dù tại đây có lắp đặt dải phân cách cứng, nhưng do chờ đợi quá lâu, một số người điều khiển xe máy tìm cách đi lên vỉa hè, thậm chí lấn sang phần đường ngược chiều để có thể thoát nhanh qua giao cắt, sự việc tiềm ẩn lớn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Trao đổi nhanh với tài xế xe du lịch Lê Quang Lâm (Hà Nội), anh Lâm băn khoăn: “Đèn xanh chỉ có 12 giây, chưa kịp di chuyển thì đèn đã chuyển sang tín hiệu khác, sau đó lại chờ đèn đỏ tới gần 2 phút, tôi di chuyển rồi lại dừng xe tại đây đến 4 lần rồi mà còn chưa qua khỏi nút giao cắt này. Trong khi lưu lượng xe cộ đi theo hướng này thì lại quá đông… Tín hiệu đèn xanh nhanh như vậy thì làm sao không tắc!.”

Hằng ngày phải di chuyển qua đoạn giao cắt này, chị Trần Thị Trang chia sẻ: “Tôi đi làm qua đây hằng ngày,  đoạn phố này thường xuyên tắc vào mỗi buổi sáng, một phần vì lòng đường tại đây hẹp hơn so với nơi khác do đơn vị thi công đường sắt trên cao đang sử dụng một phần lòng đường. Nhưng lý do chính theo tôi là tín hiệu đèn xanh quá ngắn, chỉ có 12 giây cho mỗi lượt đi, chưa kịp di chuyển thì tín hiệu đèn đã chuyển sang vàng rồi đỏ, lượng xe qua lại cứ thế dồn lại dẫn tới ùn tắc là đương nhiên. Vì con tôi học gần đây nên tôi mới phải qua đoạn này, nếu không tôi đã chọn đường khác để đi. Mong cơ quan chức năng sớm xem xét hiệu chỉnh lại tín hiệu đèn tại đây cho phù hợp.”

Hiện nay, đèn tín hiệu giao thông đã là một trong những thiết bị không thể thiếu đối với giao thông đô thị tại những thành phố lớn, quốc lộ. Kể từ khi mỗi cụm đèn giao thông được lắp đặt thêm một bộ thiết bị đếm thời gian hiển thị của màu sắc đèn đã phần nào giúp cho việc điều tiết giao thông tại mỗi khu vực có thêm sự linh hoạt, người tham gia giao thông cũng có phần chủ động hơn. Việc cài đặt thời gian chờ tín hiệu đèn tại mỗi nút giao cắt thường do đơn vị điều khiển tín hiệu đèn giao thông của cơ quan chức năng quản lý, tính toán. Bởi, mật độ người tham gia giao thông tại mỗi nút giao cắt, mỗi chiều đi đều có đặc điểm riêng biệt, cho nên có thể thấy việc cài đặt thời gian chờ cho hợp lý là một phần hết sức quan trọng đối với đặc điểm của mỗi khu vực.

Một số chuyên gia về quy hoạch và quản lý giao thông nhận định, việc đặt chu kỳ đèn cố định chỉ chấp nhận được khi mật độ giao thông còn thấp. Khi lượng phương tiện tăng lên thì cần phải rà soát và cân chỉnh lại chu kỳ đèn, dựa vào điều kiện thực tế của từng hướng đi tại các nút giao thông. Do đó, nếu tình trạng mật độ giao thông tại một khu vực có những thay đổi, chuyển biến theo từng thời kỳ thì việc duy trì chu kỳ tín hiệu đèn cố định lại là bất cập, đèn tín hiệu giao thông không những không thực hiện được đúng chức năng định hướng, phân luồng mà còn có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới ùn tắc.

Thiết nghĩ, hệ thống đèn tín hiệu giao thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phân luồng trên các tuyến đường, nút giao cắt. Cùng với những ý kiến từ phía người dân, cơ quan chức năng là Sở Giao thông và Công an Thành phố Hà Nội nên sớm rà soát, kiểm tra, điều chỉnh và thay đổi chu kỳ tín hiệu đèn, tùy theo tình hình thực tế và mật độ giao thông trên từng tuyến đường, hướng đi./.

 



         Bất cập tín hiệu đèn giao thông tại nút giao đường Láng - Giảng Võ - Lê Văn Lương. (Video: Vũ Hoàng)



                          

Vũ Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực